TS. Vũ Tiến Lộc: Kinh tế vĩ mô đang tốt dần lên nhờ sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:00, 02/06/2022
TS Vũ Tiến Lộc |
Các số liệu kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế nước ta đang được phục hồi. Bắt đầu từ quý II/2022, tình hình sản xuất và tiêu dùng đã được cải thiện theo từng tháng. Nếu như trong 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp mới tăng 7,1% so với cùng kỳ, thì trong 5 tháng đã tăng 8,3%. Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng 9,7% trong 5 tháng đầu năm vượt xa so với mức 4,4% của quý I năm nay. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn giữ vững được đà tăng trưởng 2 con số. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế cả năm là tương đối khả quan.
Về lạm phát. Dù đang phải chịu áp lực lớn do giá xăng dầu và nguyên liệu, vật tư khẩu tăng cao nhưng TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát. Cụ thể, CPI 5 tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 2,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017-2020. Bởi vậy, Chính phủ sẽ không quá khó khăn để hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, cho dù giá xăng dầu có thể sẽ vẫn được neo ở mức cao như hiện nay.
Để giảm áp lực lạm phát, TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị: “Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bởi sau 2 năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, thu nhập của họ đã bị bào mòn rất nhiều”.
Về lãi suất, dù lãi suất đầu vào có tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng nhưng lãi suất đầu ra vẫn được kiềm chế nhờ gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Do đó, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh vẫn được bảo đảm.
Ngoài ra, bất chấp đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế, tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ dù chịu nhiều áp lực nhưng về cơ bản vẫn được NHNN duy trì ở mức ổn định, tạo thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát nhập khẩu và hỗ trợ phần nào cho xuất khẩu.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, dù có tới 98.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng cũng có gần 72.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 16% so với cùng kỳ, trong khi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài lại tăng gấp 2 lần. “Những chỉ báo đó cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đang rất gian nan”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho biết thêm: “Bên cạnh các khó khăn về thị trường, thì những rào cản pháp lý cùng với thủ tục hành chính phiền hà và tâm trạng bất an đang là những trở lực lớn cho những nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp… rất cần phải được quan tâm tháo gỡ”.
Đối với thị trường vốn và thị trường bất động sản, TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở pháp lý và chấn chỉnh quản lý, để thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể “hạ cánh an toàn”, tiếp tục phát triển bền vững, đóng vai trò kênh dẫn nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, chứ không thể chỉ chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngắn hạn từ các ngân hàng như bấy lâu nay.
“Chúng ta vẫn cần nhớ rằng, cho dù tăng trưởng năm nay có đạt trên 7%, thì GDP trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cũng mới chỉ ở mức trên 4%. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp hơn nhiều so với tiềm năng”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Điều này hàm ý rằng, Chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cấp bách nhất là phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công - một giải pháp kinh điển rất hiệu quả để giải cứu và kích hoạt nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Nhưng việc giải ngân đầu tư công hiện nay với tốc độ “rùa bò”. “Nếu thời gian tới tình hình không tiến triển, tôi đề nghị chuyển nguồn lực này cho khu vực tư nhân thông qua các gói hỗ trợ. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% cho cả nhiệm kỳ”, TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với những tín hiệu từ đầu năm đến nay, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng “bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt dần lên nhờ việc tích hợp và cộng hưởng khá hài hoà của các chính sách tài khóa và tiền tệ”.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kép: GDP tăng trưởng 6,5 hay 7% (thậm chí cao hơn) và CPI được giữ ở mức dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội và Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cải cách đột phá để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp.