Ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:28, 02/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 1/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong ngành Ngân hàng năm 2022. Hội nghị do Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì.

Tham dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN Trung ương, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, Nhà máy in tiền Quốc gia…

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Công tác THTK, CLP được triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, toàn diện

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, một trong các giải pháp tạo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng năm 2022 là triển khai nghiêm túc Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 2262/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 và Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 123/QĐ-NHNN ngày 28/01/2022, trong đó, yêu cầu các đơn vị triệt để tiết kiệm các khoản chi; tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Theo Phó Thống đốc, việc tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác THTK, CLP trong ngành Ngân hàng là thực sự cần thiết để đánh giá lại kết quả THTK, CLP năm 2021 cũng như phổ biến, quán triệt những nội dung quan trọng trong công tác THTK, CLP năm 2022 trong toàn Ngành, từ đó tạo sự thống nhất cao về nhận thức để Thủ trưởng đơn vị từ Trung ương tới cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình THTK, CLP một cách có hiệu quả ở cơ quan, đơn vị mình.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, nhằm triển khai kịp thời, nghiêm túc Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Thống đốc đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, trong đó đã đề ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu tiết kiệm và các giải pháp thực hiện đảm bảo sát với nội dung quy định của NHNN về THTK, CLP, phù hợp với định hướng phát triển của Ngành và cụ thể trong các lĩnh vực, tạo sự thuận lợi cho các đơn vị trong Ngành triển khai thực hiện. NHNN và các đơn vị trực thuộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức pháp luật về THTK, CLP cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng.

Năm 2021, NHNN và các đơn vị đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, định mức, tiêu chuẩn về quản lý tài chính, tài sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý lao động để làm cơ sở triển khai THTK, CLP. Trong đó, NHNN đã ban hành 9 văn bản, quy định quan trọng hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức về tài chính, tài sản áp dụng cho hệ thống NHNN, các văn bản về quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng. Các đơn vị NHNN ban hành mới 37 văn bản và sửa đổi, bổ sung 40 văn bản về quản lý tài chính, tài sản áp dụng trong nội bộ đơn vị.

Theo báo cáo của TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước, các đơn vị đã tăng cường ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản, định mức về quản lý tài chính, tài sản áp dụng trong từng đơn vị để đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý trong việc quản lý, điều hành cũng như THTK, CLP.

Bám sát Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng năm 2021 và các chỉ đạo về tiết kiệm chi phí để dành nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, NHNN đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị trong Ngành chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách; hạn chế chi tổ chức hội nghị, công tác khi không cần thiết để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19…

Việc thực hiện kế hoạch khoán kinh phí của NHNN nhìn chung đạt kết quả tốt với 100% đơn vị NHNN thực hiện chi tiêu trong mức được giao khoán. Một số khoản chi phí quản lý tiết giảm nhiều so với năm 2020 như: Chi công tác phí tiết giảm 41,55%; chi lễ tân, khánh tiết tiết giảm 30,93%; chi vật liệu khác giảm 26,22%... Năm 2021 là năm thứ hai NHNN thực hiện Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 22/1/2020 của Thống đốc NHNN về quy định tiêu chí đánh giá kết quả THTK, CLP trong sử dụng kinh phí của các đơn vị NHNN. Nhìn chung, các đơn vị trong hệ thống NHNN đã thực hiện nghiêm túc quy định, xây dựng kế hoạch tiết kiệm cụ thể, sát với kế hoạch giao khoán của NHNN; trong quá trình thực hiện, các đơn vị đã rà soát kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện.

NHNN đã thực hiện nghiêm các chủ trương của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng và mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc. Trong công tác lập kế hoạch, NHNN đã rà soát chặt chẽ đề xuất của đơn vị và hiện trạng tài sản của NHNN, chỉ đưa vào kế hoạch đối với các tài sản cần thiết, cấp bách phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an toàn trụ sở, kho tiền...; Trong quản lý đầu tư xây dựng công trình của NHNN năm 2021, NHNN đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện dự án từ khâu lập kế hoạch đến quyết toán công trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2021 của các đơn vị.

Năm 2021, NHNN cũng tập trung hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện lại cơ chế tự chủ tài chính theo quy định mới tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, NHNN đã rà soát việc sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp NHNN vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết để phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh/cho thuê của các đơn vị này.

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nhà nước về công khai, minh bạch trong công tác quản lý tài chính, tài sản, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thuộc phạm vị quản lý theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

NHNN đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính, đặc biệt là yêu cầu các TCTD đổi mới công tác quản trị, điều hành, đẩy mạnh cải tiến các thủ tục giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại để tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, NHNN tiếp tục tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạt động hành chính và các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của NHNN Trung ương, gắn với THTK, CLP như: tổ chức Hội nghị trực tuyến; khai thác và sử dụng có hiệu quả Cổng Thông tin điện tử của NHNN; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống quản trị nhân sự; hệ thống nghiệp vụ như: thị trường mở…; NHNN đã triển khai THTK, CLP trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trong hệ thống NHNN.

Trong năm 2021, các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng đã xây dựng Chương trình hành động của đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, yêu cầu và nội dung THTK, CLP năm 2021 cho cán bộ, nhân viên và người lao động, tổ chức thực hiện các giải pháp tiết kiệm đã đề ra.

Việc kiểm tra THTK, CLP của đơn vị được thực hiện chặt chẽ thông qua việc rà soát, chấm điểm tình hình thực hiện THTK, CLP qua báo cáo của các đơn vị; thẩm định, phê duyệt kế hoạch tài chính, kế hoạch ngân sách của đơn vị đảm bảo tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết để dành nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN. Theo báo cáo của TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp trực thuộc NHNN, trong năm 2021, các đơn vị đã tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát thông qua việc lồng ghép nội dung kiểm tra công tác THTK, CLP với nội dung kiểm tra nghiệp vụ.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị cũng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 như sau: (i) Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2022, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu quy định tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/20212 của NHNN; (ii) Thủ trưởng đơn vị tổ chức triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP ban hành theo Quyết định số 123/QĐ-NHNN ngày 28/01/2022 của NHNN và Chương trình hành động của từng đơn vị; (iii) Chấp hành nghiêm các chỉ tiêu tiết kiệm nêu tại Chương trình hành động và quy định, tiêu chí chấm điểm tiết kiệm trong sử dụng kinh phí theo quy định tại Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 22/01/2020 của Thống đốc NHNN; (iv) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Người đại diện tại các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN quản lý.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho rằng, việc THTP, CLP luôn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, các đơn vị cần quán triệt đầy đủ nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh THTK, CLP trong năm 2022. Thủ trưởng các đơn vị cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo đơn vị triển khai các giải pháp THTK, CLP thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục giáo dục ý thức nâng cao tiết kiệm của mỗi cán bộ, công chức và người lao động. Tiếp tục tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạt động hành chính và các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị gắn với THTK, CLP như: tổ chức Hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và điều hành… Các đơn vị đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ đơn vị, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu, các đơn vị tham mưu cơ chế chính sách cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính, quản lý đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công, các quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện cũng như đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, góp phần THTK, CLP.

Việc đầu tư mua sắm các dự án công nghệ thông tin cần đảm bảo thực sự cần thiết, hiệu quả, không trùng lặp và thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, mua sắm đảm bảo khách quan, minh bạch.

Các TCTD, tổ chức tài chính, doanh nghiệp do NHNN làm đại diện chủ sở hữu tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính được phê duyệt. Trong đó, tập trung rà soát, cắt giảm các khoản chi tuyên truyền, quảng cáo, lễ tân, khánh tiết, hội nghị... Việc thuê, mua sử dụng trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định…

P.V