Tội phạm kinh tế và gian lận không ngừng gia tăng
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:40, 05/06/2022
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Đây là kết quả vừa được công bố trong kết quả cuộc “Khảo sát Tội phạm kinh tế và Gian lận Toàn cầu năm 2022” vừa được PwC công bố. Cuộc khảo sát với sự tham gia của 1.296 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 53 quốc gia cho thấy tội phạm an ninh mạng, gian lận bởi người tiêu dùng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là những loại hình tội phạm phổ biến gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhiều nhất, bất kể doanh nghiệp ở quy mô nào.
Kết quả khảo sát cho biết, tội phạm an ninh mạng đứng đầu danh sách các mối đe dọa hiện tại mà các doanh nghiệp phải đối mặt, trong khi các rủi ro mới từ gian lận báo cáo ESG và gian lận trên các nền tảng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong tương lai.
PwC cho biết, lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông có tỷ lệ gian lận cao nhất trong tất cả các ngành được khảo sát. Điều này cho thấy các doanh nghiệp có nguy cơ dễ bị tổn thương hơn và những kẻ lừa đảo đến từ bên ngoài ngày càng trở thành mối đe dọa lớn khi các cuộc tấn công không ngừng gia tăng dưới các hình thức tinh vi hơn.
Công ty càng lớn, rủi ro về gian lận càng cao
Dù chỉ có chưa đến một nửa số công ty được khảo sát (46%) báo cáo đã gặp phải sự cố gian lận hoặc tội phạm kinh tế trong vòng 24 tháng qua, thiệt hại do những hành vi này mang lại ngày càng đáng kể hơn.
Trong số các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm trên 10 tỷ USD, 52% đã gặp phải sự cố về gian lận trong 24 tháng qua. Trong nhóm này, gần 1/5 báo cáo rằng sự cố gây gián đoạn nhất đã gây thiệt hại tài chính lên đến hơn 50 triệu USD. Tỷ lệ của các công ty nhỏ hơn (những công ty có doanh thu dưới 100 triệu USD) bị ảnh hưởng thấp hơn với 38% công ty từng bị gian lận, trong đó 1/4 đối mặt với tổng số tiền bị ảnh hưởng hơn 1 triệu USD.
PwC cho biết, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông đã giúp xác định được sự gia tăng đáng kể của hoạt động gian lận kể từ năm 2020 với gần 2/3 số công ty trong ngành này gặp phải một số hình thức gian lận, tỷ lệ cao nhất trong tất cả các ngành tham gia khảo sát.
Tội phạm an ninh mạng đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với các doanh nghiệp ở tất cả mọi quy mô, sau khi những thiệt hại do tin tặc gây ra đã gia tăng đáng kể trong hai năm qua. Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật tiềm ẩn vô số cơ hội cho tội phạm tài chính và 40% trong số những người được khảo sát gặp phải gian lận đã trải qua một số hình thức gian lận nền tảng.
Kết quả khảo sát năm nay cho biết, tội phạm an ninh mạng đứng vị trí cao hơn gian lận thực hiện bởi người tiêu dùng, loại tội phạm phổ biến nhất trong năm 2020, với một tỷ lệ đáng kể. 42% doanh nghiệp lớn cho biết đã trải qua tội phạm an ninh mạng trong giai đoạn này, trong khi chỉ 34% doanh nghiệp gặp phải gian lận thực hiện bởi người tiêu dùng.
Rủi ro mới như gian lận trong Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị - ESG (hành vi thay đổi các thông tin công khai về báo cáo ESG nhằm che đậy các hoạt động hoặc tiến trình của một tổ chức) có khả năng gây ra gián đoạn lớn hơn trong vài năm tới. Ví dụ, chỉ 8% trong số các tổ chức gặp phải gian lận trong 24 tháng qua báo cáo về gian lận báo cáo ESG. Tuy vậy, khi tầm quan trọng của ESG không ngừng gia tăng trong tương lai, động cơ thực hiện hành vi gian lận trong lĩnh vực này có thể phát triển.
Bảo vệ, chống lại các mối đe dọa bên ngoài đòi hỏi tư duy mới
Cuộc khảo sát cho thấy rằng các mối đe dọa đến từ những tác nhân bên ngoài đang gia tăng, với các hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm và tinh vi hơn. Gần 70% các tổ chức gặp phải gian lận cho biết những sự cố gây gián đoạn nhất của họ đến từ các cuộc tấn công hoàn toàn từ bên ngoài hoặc thông đồng với nội bộ công ty. Những người được hỏi cho biết họ đang tăng cường kiểm soát nội bộ, phát triển năng lực kỹ thuật và báo cáo để ngăn ngừa và phát hiện gian lận.
Ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam nhận định, trong những năm qua, PwC đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với các loại tội phạm kinh tế khác nhau. Rõ ràng, gian lận kinh tế vẫn là mối quan ngại lớn của nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải tiếp tục cảnh giác, phản ứng kịp thời và nhất quán đối với các cáo buộc gian lận.
“Bằng việc lập kế hoạch, đưa ra chính sách, thủ tục và các biện pháp kiểm soát phù hợp, doanh nghiệp có thể phần nào giảm thiểu rủi ro gian lận, phát hiện sớm và hạn chế tổn thất gây ảnh hưởng đến tài chính và danh tiếng công ty. Nếu không có cách tiếp cận đúng đắn, rủi ro do các hành vi gian lận gây ra có thể khiến doanh nghiệp trả giá “đắt” không chỉ về mặt tài chính mà còn là nỗ lực của ban quản trị để tái thiết lại hoạt động kinh doanh”, ông Võ Tấn Long nhấn mạnh.
Còn theo bà Kristin Rivera, Lãnh đạo Điều tra gian lận toàn cầu của PwC nhận xét, hơn bao giờ hết, các tổ chức cần phải linh hoạt ứng phó với những mối đe dọa này, đồng thời áp dụng các phương pháp tiếp cận và công nghệ mới để dự đoán và ngăn chặn gian lận. Hiểu được vòng đời từ đầu đến cuối của các sản phẩm với tâm thế hướng tới khách hàng, cân bằng được giữa trải nghiệm 2 người dùng và các biện pháp kiểm soát gian lận cũng như có một cái nhìn tổng thể về dữ liệu sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc chiến không ngừng nghỉ chống lại gian lận.