Dòng tiền toàn cầu trở lại chứng khoán châu Á khi Trung Quốc mở cửa trở lại
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 18:41, 06/06/2022
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, dòng vốn đầu tư toàn cầu hàng tuần chảy vào các thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc, đã tăng gần 2,7 tỷ USD trong tuần vừa rồi, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.
Dòng vốn ngoại quay lại các thị trường chứng khoán mới nổi của châu Á trong tuần vừa qua. |
Đặc biệt, hai thị trường Đài Loan và Hàn Quốc chứng kiến dòng tiền chảy vào nhiều nhất với khoảng 1 tỷ USD mỗi thị trường. Tuy nhiên, ngay cả khi mua ròng mạnh trong tuần qua, khối ngoại vẫn ghi nhận rút ròng tổng cộng khoảng 40 tỷ USD khỏi hai thị trường này từ đầu năm đến nay.
Cần lưu ý, các thị trường chứng khoán bị chi phối nhiều bởi cổ phiếu công nghệ ở châu Á đang chịu gánh nặng lớn từ việc khối ngoại bán ròng do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu khi lãi suất tăng và xung đột Nga - Ukraine làm giảm khẩu vị rủi ro.
Các thị trường chứng khoán bị chi phối nhiều bởi cổ phiếu công nghệ ở châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan) đang chứng kiến làn sóng rút ròng mạnh nhất kể từ năm 2008. |
Các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 63 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ từ đầu năm đến nay, trong đó mức bán ròng ở thị trường Đài Loan là mạnh nhất với 28,1 tỷ USD. Tỷ trọng của các cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ trong các chỉ số Taiex, Kospi và Sensex cao hơn so với trong Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương.
Charu Chanana, chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets, cho biết, việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đã xua tan những đám mây bất ổn cho khu vực châu Á, tạo ra dư địa để hoạt động sản xuất tăng trưởng nhanh hơn. Việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, đặc biệt các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, đã làm thay đổi nhận định của giới đầu tư toàn cầu.
Trong khi đó, Chetan Seth, chiến lược gia tại Nomura, cho rằng, dòng vốn ròng này có thể tiếp tục chảy vào thị trường mới nổi hay không sẽ phụ thuộc vào kế hoạch mở cửa trở lại Trung Quốc bền vững ra sao và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh chậm lại lộ trình tăng lãi suất như thế nào.
Tuy nhiên, chiến lược gia của Nomura cũng lưu ý, không có kịch bản nào trong số này là chắc chắn, ít nhất là cho đến hiện tại.