Hiệu quả chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 phục hồi và tăng trưởng nhanh

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:59, 07/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dư nợ cơ cấu lại nợ giảm chứng tỏ doanh nghiệp phục hồi, có dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng. Đây là tín hiệu rất tích cực, phản ánh chủ trương trúng, đúng và hiệu quả chính của NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất để hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ về hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID -19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng, vượt qua khó khăn. Trong đó, việc ban hành và thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho doanh nghiệp, làm nền tảng để phục hồi nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đánh giá này phản ánh trên các phương diện chính sau:

Thứ nhất, việc cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất cho vay đã giúp cho doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường ngay sau dịch bệnh được kiểm soát và lấy lại đà tăng trưởng. Những kết quả về tăng trưởng GDP; tăng trưởng xuất khẩu; tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo; du lịch, dịch vụ…. trong 5 tháng đầu năm 2022 có đóng góp quan trọng từ cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng ngân hàng. Trong đó, việc ổn định kinh tế vĩ mô; cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp về lãi suất, giảm chi phí doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đã tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi và tăng trưởng.

Thứ hai, hiệu quả chính sách được phát huy và phản ánh những tín hiệu rất tích cực. Trong đó, khi cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 được ban hành và triển khai thực hiện; nhu cầu cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất từ doanh nghiệp liên tục tăng (qua đơn đề nghị hỗ trợ) và các doanh nghiệp được đáp ứng (qua giá trị nợ được hỗ trợ) cũng tăng tương ứng. Chỉ tính riêng tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng giá trị nợ được hỗ trợ đạt trên 3 triệu tỷ đồng, cho gần 2 triệu lượt khách hàng. Đây là những con số rất ấn tượng, vừa phản ánh vai trò của ngành ngân hàng trong hỗ  trợ doanh nghiệp, sự chia sẻ của ngành ngân hàng trong công tác phòng chống dịch; vừa phản ánh tính thiết thực, hiệu quả của chính sách mang lại cho doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhờ được hỗ trợ cơ cấu lại nợ; miến giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp đã duy trì, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh, có thu nhập, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng. Theo đó, riêng tại địa bàn Tp. Hồ Chí Minh dư nợ cơ cấu lại nợ liên tục giảm trong 5 tháng đầu năm nay. Nếu tháng 10/2021, dư nợ cơ cấu lại nợ đạt 159.198 tỷ đồng cho 566.443 khách hàng, thì đến nay dư nợ cơ cấu lại nợ giảm còn 94.760 tỷ đồng, giảm 27,66%  so với tháng 10/2021. Dư nợ cơ cấu lại nợ giảm chứng tỏ doanh nghiệp phục hồi, có dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng. Đây là tín hiệu rất tích cực, phản ánh chủ trương trúng, đúng và hiệu quả chính của NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất để hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kết quả này sẽ là dấu ấn nổi bật gắn với lịch sử của đại dịch COVID-19 và là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, điều hành của NHNN cũng như đối với chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, giá trị của chính sách được phát huy tối đa và  mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Nếu chính sách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay; miễn giảm lãi suất cho vay tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, chi phí đầu vào và giảm giá thành sản phẩm, thì việc tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất, phục hồi và mở rộng sản xuất như trước dịch, trở thành giải pháp hữu hiệu và liên tục cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhất, giai đoạn giãn cách, tạm ngưng hoạt động, sau đó trở lại hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát. Sự phù hợp và khoa học này thể hiện phản ứng chính sách rất kịp thời và linh hoạt của NHNN để xử lý các khó khăn phát sinh từ nền kinh tế, từ doanh nghiệp. Đây cũng là kết quả ấn tượng về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng. Theo đó dư nợ cho vay mới với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, có vốn phục hồi sản xuất kinh doanh cũng không ngừng tăng trưởng, tháng 10/2021 dư nợ cho vay mới tại TP. Hồ Chí Minh đạt 398.018 tỷ đồng  cho 342.514 khách hàng, thì đến nay đã đạt 463.162 tỷ đồng, tăng 16,3%, cho 694.739 khách hàng, qua đó hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như  các hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch trên địa bàn Thành phố.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng, theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp, các TCTD cần tiếp tục quan tâm và làm tốt hoạt động này. Đây cũng sẽ trở thành bài học kinh nghiệm quý báu để tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 03/2022/TT-NHNN  hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP  của Chính phủ về hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Nguyễn Đức Lệnh