Cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá hấp dẫn
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:13, 10/06/2022
|
Trong quý I/2022, nhóm ngân hàng đã đạt tăng trưởng lợi nhuận 29% so với cùng kỳ và đạt ROE 22% nhờ vào tăng trưởng tín dụng tốt, thu nhập từ phí khả quan và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt. Tín dụng toàn hệ thống tăng 6% từ đầu năm tính đến cuối quý I/2022, cao hơn nhiều so với mức 3,45% vào cuối quý I/2021 nhờ nhu cầu vay lớn nhằm đáp ứng hoạt động kinh doanh phục hồi trở lại sau dịch bệnh.
Nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng tốc trở lại trong giai đoạn 2022-2023 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ; và ngành Ngân hàng là lựa chọn tiêu biểu trong bối cảnh nói trên. Mặc dù biên lãi thuần khó có thể cải thiện do lãi suất huy động tăng, các ngân hàng vẫn sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong 2022 dựa trên tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt.
Việc thị trường điều chỉnh gần đây đã đưa định giá ngành Ngân hàng xuống 1,46 lần P/BV dự phóng năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần. Ngành ngân hàng đã phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, tâm lý dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng còn đến từ việc Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản, dù việc này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.
"Tuy vậy, những sự kiện nói trên sẽ không đem lại hệ quả nghiêm trọng lên toàn ngành và chúng tôi tự tin rằng ngân hàng sẽ có thể vượt qua rủi ro chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng dày dặn và sự kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao; và đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn" báo cáo của VNDIRECT nhận định. Cũng theo VNDIRECT các mã cổ phiếu VPB, HDB và TCB đều có những “câu chuyện riêng” bên cạnh nền tảng cơ bản vững chắc.
VPB được kỳ vọng sẽ ghi nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022, ít nhất là 23%, dựa vào tỷ lệ an toàn vốn cao nhất ngành (15,2% cuối quý I/2022). FE Credit sẽ hồi phục trở lại về mức trước đại dịch, khoảng 3.000 – 4.000 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; gấp 6 lần năm 2021. Quan trọng hơn, việc bán vốn thành công cho đối tác nước ngoài sẽ là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho VPB trong thời gian sắp tới.
VPB hiện đang giao dịch tại mức P/BV dự phóng năm 2022 là 1,37 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 1,74 lần và trung bình ngành là 1,46 lần trong khi tăng trưởng lợi nhuận và khả năng sinh lời của ngân hàng vẫn mạnh mẽ (lần lượt là 30,1% và 18%) cho thấy định giá hiện tại của VPB đang rất hấp dẫn. Với mô hình ngân hàng độc đáo và tiềm năng phát triển còn rất lớn, VNDIRECT cho rằng VPB xứng đáng với mức định giá P/BV ít nhất là 2 lần.
HDB cũng là ngân hàng nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhờ vào tỷ lệ an toàn vốn thuộc top toàn ngành (14,4%). Tăng trưởng tín dụng của HDB có thể sẽ đạt ít nhất 22% vào năm nay. Ngoài ra, HDB cũng sẽ là 1 trong số ít các ngân hàng có thể hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp của toàn ngành trong năm 2022 dựa trên tỷ lệ cho vay/tiền gửi (LDR) rất thấp 66% (so với quy định là 85%). Bảo hiểm là điểm sáng trong bức tranh kết quả kinh doanh của HDB khi HDB là 1 trong số ít các ngân hàng mới tái khởi động lại hoạt động bảo hiểm và chưa ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền. Với tệp khách hàng lớn và tiềm năng vốn có, HDB có thể đẩy mạnh được thu nhập từ phí một cách mạnh mẽ thông qua mảng bảo hiểm.
HDB hiện đang giao dịch tại P/BV là 1,38 lần, thấp hơn mức trung bình 3 năm là 1,64 lần và trung bình ngành là 1,46 lần mặc dù khả năng sinh lời của ngân hàng đã vượt trội hơn so với quá khứ rất nhiều (ROE 23%). Vì vậy, VNDIRECT nhận định HDB xứng đáng định giá ở mức 1,9 lần P/BV.
Đối với TCB, việc Chính phủ sẽ kiểm soát và giám sát chặt chẽ thị trường vốn là một điểm tích cực để giúp nâng tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn. Tuy vậy, điều này đã gây ra tâm lý dè chừng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu TCB - cổ phiếu của một ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn trong danh mục cho vay và nắm giữ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong toàn ngành ngân hàng. Nhưng TCB gặp ít rủi ro đối với sự kiện trên nhờ vào mô hình kinh doanh tốt và vị thế vững chắc của ngân hàng trong thời điểm hiện tại để có thể nắm bắt được xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trái phiếu và bất động sản trong những năm tới. Việc bán tháo ồ ạt trên thị trường vừa qua đã khiến TCB có được mức định giá rất hấp dẫn: 1,13 lần P/BV so với mức 1,56 lần trung bình 3 năm và 1,46 lần toàn ngành - tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn có thể bắt đầu mua vào và nắm giữ.
Về bức tranh kết quả kinh doanh năm 2022, TCB sẽ là một trong các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao (khoảng 22%) dựa trên tỷ lệ an toàn vốn CAR cao (15,1%). NIM nhìn chung sẽ không giảm mạnh nhờ vào tỷ lệ CASA cao nhất trong toàn ngành và tiềm năng lớn để mở rộng cho vay cá nhân. Kết hợp với chất lượng tài sản tốt nhất toàn ngành, VNDIRECT dự báo TCB sẽ đạt 26% tăng trưởng lợi nhuận ròng trong năm nay với tỷ suất sinh lời ROE là 22%.