ABBANK khẩn trương lên kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm
Tin hội viên - Ngày đăng : 17:21, 10/06/2022
Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ban hành ngày 20/5/2022 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) đối với các khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mức độ chi tiết của Nghị định cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế một cách khẩn trương, cụ thể đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định từ nguồn ngân sách nhà nước là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong việc tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Việc hỗ trợ này gián tiếp giúp phục hồi theo chuỗi những doanh nghiệp và hộ kinh doanh liên quan và tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào việc cải thiện đời sống và an sinh xã hội...
Hiện dịch bệnh dù đã có xu hướng suy giảm nhưng vẫn diễn ra trên nhiều địa phương, còn nhiều ca nhiễm mới, trong khi giá xăng dầu tăng và giá nhiều nguyên vật liệu cao khiến chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa tăng lên… Vì vậy, mức lãi suất giảm 2%/năm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và có thêm nguồn tài chính để duy trì cũng như đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
“ABBANK ý thức được việc đồng hành, hỗ trợ cho các khách hàng vì lợi ích khách hàng cũng là sứ mệnh của mình. Tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất 2% rất phù hợp với chiến lược, giá trị cốt lõi của ABBANK là “Lấy khách hàng làm trọng tâm”. Khách hàng phát triển thì ABBANK cũng ngày càng lớn mạnh và phát triển cùng với cộng đồng doanh nghiệp, hệ sinh thái bền vững", ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBANK chia sẻ.
ABBANK khẩn trương lên kế hoạch triển khai
Tiếp nhận các nội dung Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, ABBANK đã khẩn trương lên kế hoạch thực thi chính sách. Theo đó, ABBANK đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 572 tỷ đồng, tương đương với quy mô 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng 2 năm đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
“Khi dịch bệnh diễn ra, ABBANK đã thực hiện giải pháp gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất…để hỗ trợ khách hàng ổn định kinh doanh. Ngay sau khi tiếp cận các nội dung Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ABBANK cũng đã khẩn trương lên kế hoạch thực thi chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp. Kinh doanh gắn liền với lợi ích của khách hàng và đồng hành cùng nền kinh tế nước nhà là kim chỉ nam trong mọi hành động của ABBANK”, ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBANK cho biết.
Tại ABBANK, dư nợ tín dụng tháng 5/2022 là 84.011 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm 31/12/2021. Dự kiến đối tượng được hưởng chương trình ưu đãi lãi suất 2% chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của Ngân hàng.
Trước đó, ABBANK đã thành lập Tổ công tác triển khai nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN về hỗ trợ lãi suất gồm các đơn vị liên quan từ các Khối Kinh Doanh, Vận hành, Công nghệ Ngân hàng, Bán hàng và Dịch vụ, Pháp chế Tuân thủ, Quản trị Rủi ro, Ban Tài chính. Tổ công tác đã thực hiện phân công và có kế hoạch cụ thể về xây dựng quy định, hướng dẫn, hệ thống để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu của Nghị định 31 và Thông tư 03.
Hiện ABBANK đang xây dựng và tiến tới ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 31 và Thông tư 03 trong nội bộ Ngân hàng, đảm bảo công tác hỗ trợ lãi suất được triển khai kịp thời, minh bạch và hiệu quả.
Biện pháp nào để phòng tránh rủi ro những trường hợp sử dụng vốn sai mục đích?
Năm 2022, ABBANK đã sớm có kế hoạch phát triển tín dụng phù hợp với Khẩu vị rủi ro, Hạn mức rủi ro và Định hướng tín dụng đã ban hành. Với định hướng tín dụng hiện tại, các ngành nghề được hỗ trợ lãi suất cũng là các ngành nghề được ưu tiên phát triển như công nghiệp chế biến chế tạo; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; kho bãi và hoạt động hỗ trợ cho vận tải, logistics; thông tin và truyền thông (trong đó có xuất bản phần mềm, lập trình, dịch vụ thông tin).
Để triển khai nội dung của Nghị định 31 và Thông tư 03, ABBANK sẽ ban hành các quy định cụ thể nhằm xác định đúng đối tượng áp dụng, hướng dẫn chi tiết việc phối hợp thực hiện giữa các đơn vị nội bộ ABBANK nhằm triển khai hiệu quả nhất công tác hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và NHNN.
Nhằm kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích, ABBANK sẽ xác nhận cụ thể từng khoản vay được hỗ trợ lãi suất đối với từng khách hàng, theo dõi và báo cáo định kỳ theo đúng quy định của Thông tư. Ngoài ra, ABBANK cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát sau vay, đặc biệt với các khoản vay hỗ trợ lãi suất nhằm kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay đúng quy định, xác định đúng số tiền được hỗ trợ lãi suất, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất (nếu có) và điều chỉnh đúng quy định.
ABBANK đang thực hiện triển khai một số chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp nhằm hỗ trợ giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp lớn như: - Chương trình “Ưu đãi lãi suất - Vững bước thành công” với hạn mức 7.000 tỷ VND và 100 triệu USD với lãi suất cho vay chỉ từ 5,5%/năm đối với VND và 2,6%/năm đối với USD; - Chương trình Tài trợ VND lãi suất ngoại tệ với hạn mức 2.000 tỷ VND, lãi suất cho vay chỉ từ 4,9%/năm. Các Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được ABBANK áp dụng chương trình ưu đãi với hạn mức lên đến 4.600 tỷ đồng: - Chương trình “Ưu đãi lãi vay – nhanh tay nhận vốn” với hạn mức 4.000 tỷ đồng, lãi suất VND cho vay ngắn hạn từ 6,2%/năm; - Chương trình “Ưu đãi lãi suất – tiếp bước thành công” với hạn mức 300 tỷ đồng, lãi suất VND cho vay trung dài hạn từ 7,9%/năm; - Chương trình “Tăng trưởng ngoại thương – Hưởng trọn ưu đãi” dành cho các Doanh nghiệp Xuất Nhập khẩu, hạn mức 300 tỷ đồng, lãi suất USD là 3,55%/năm, lãi suất VND từ 6,5%/năm kèm theo các gói ưu đãi về phí dịch vụ gồm miễn/giảm phí các phí giao dịch tài khoản, giảm đến 30% phí Thanh toán Quốc tế, bảo lãnh; - Gói ưu đãi tài khoản dành cho Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn phí đến 10 đầu mục phí giao dịch tài khoản trong vòng 6 tháng. Đối với nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu và mua hàng nội địa theo phương thức L/C, ABBANK cũng triển khai chương trình cấp Hạn mức tài trợ có Tài sản bảo đảm (TSBĐ) hoặc không TSBĐ với chính sách ưu đãi: tỷ lệ ký quỹ chỉ từ 0-10% ; Lãi suất cho vay, phí dịch vụ, tỷ giá ngoại hối cạnh tranh. - Ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhập khẩu: cấp hạn mức tối đa lên tới 2 lần giá trị TSBĐ, hoặc được cấp Hạn mức không TSBĐ để vay vốn thanh toán nhập khẩu hoặc phát hành L/C (bao gồm cả L/C UPAS, L/C nội địa). - Ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất khẩu: khách hàng được cấp tín dụng có TSBĐ hoặc không TSBĐ để tài trợ xuất khẩu trước giao hàng/sau giao hàng) với tỷ lệ tài trợ cao lên tới 98% trị giá Hợp đồng/đơn hàng xuất khẩu hoặc LC/ Bộ chứng từ xuất khẩu. |