Khóa tập huấn về Nguyên tắc cơ bản của dự báo và mô hình dự báo tức thời

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:04, 14/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ ngày 7-10/6/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Văn phòng Phát triển năng lực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Thái Lan (CDOT) tổ chức Khóa tập huấn về “Nguyên tắc cơ bản của dự báo và mô hình dự báo tức thời”.

Các học viên tham gia khóa tập huấn

Tham gia Khóa tập huấn có 35 học viên đến từ các đơn vị chức năng của NHNN, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự quy tụ của các diễn giả có bề dày kinh nghiệm từ Viện Phát triển năng lực (ICD) của IMF và CDOT, trong đó, giảng viên chính là ông Richard Sean Craig, Cố vấn kinh tế vĩ mô của IMF tại CDOT.

Khóa tập huấn bao gồm các bài giảng lý thuyết về các phương pháp dự báo nói chung và mô hình dự báo tức thời nói riêng cùng với các bài tập thực hành về dự báo ngắn hạn đối với GDP (cả phía cung và phía cầu) và các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng khác từ các dữ liệu sẵn có của Việt Nam.

Với mục tiêu cải thiện độ chính xác và tính kịp thời của dự báo trong phân tích kinh tế vĩ mô và chính sách, Khóa tập huấn sử dụng các kỹ thuật cũng như công cụ dự báo, thống kê đa dạng từ dựa vào các số liệu kinh tế vĩ mô theo chuỗi thời gian truyền thống đến các chỉ số kinh tế có tần suất cao hơn (phần mềm EViews, mô hình ARIMA…).

Phát biểu khai mạc Khóa tập huấn, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN đánh giá cao những kết quả thực chất của quá trình hợp tác tăng cường năng lực của IMF nói chung và CDOT nói riêng dành cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, các hoạt động đào tạo của IMF, đặc biệt là CDOT - tập trung vào lĩnh vực chuyên môn về phân tích chính sách dựa trên mô hình, dự báo và thống kê kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối, quản lý kinh tế và tài chính công, và luôn gắn liền với nhiệm vụ hàng ngày của các học viên - đã và đang góp phần không nhỏ trong việc xây dựng lực lượng cán bộ đủ điều kiện, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công việc, qua đó hỗ trợ cho việc lập kế hoạch và hoạch định chính sách của các cơ quan.

“Trong hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các dự án tăng cường năng lực. Đào tạo trực tuyến cho thấy nhiều hạn chế hơn so với phương thức giảng dạy trực tiếp. Vì vậy, NHNN hoan nghênh nỗ lực của IMF và CDOT trong việc khởi động lại các chương trình đào tạo, khóa học và hội thảo trực tiếp tại Việt Nam”, ông Tô Huy Vũ chia sẻ.

Là một trong những nước có thu nhập trung bình và hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam đã thực hiện cải cách toàn diện trong lĩnh vực thống kê, ngân hàng và tài chính, vốn là thế mạnh của IMF. Cũng như nhiều nước trong khu vực, Chính phủ Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng hiện đang triển khai hàng loạt kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, tăng cường năng lực phân tích, dự báo kinh tế, tài chính, từ đó củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những rủi ro ngày càng gia tăng trên thế giới.

Nhân dịp này, ông Tô Huy Vũ bày tỏ lòng cảm ơn đến các đối tác đồng tổ chức cũng như tất cả học viên đã dành thời gian và đóng góp vào sự thành công của khóa tập huấn, đồng thời hy vọng IMF và CDOT sẽ tiếp tục triển khai nhiều sáng kiến, hoạt động tư vấn chính sách, hỗ trợ phát triển năng lực cho Việt Nam.

Được biết, CDOT được thành lập tại Bangkok vào tháng 9/2012, với tên gọi ban đầu là Văn phòng Hỗ trợ kỹ thuật IMF cho Lào và Myanmar (TAOLAM). Năm 2015, TAOLAM đổi tên thành CDOT với sự hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất của Chính phủ Nhật Bản và Thái Lan (Ngân hàng Trung ương Thái Lan). Đến nay, CDOT đã triển khai nhiều dự án tăng cường năng lực, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và chương trình đào tạo về quản lý kinh tế vĩ mô và tài chính công, nghiệp vụ tiền tệ và ngoại hối, thống kê khu vực đối ngoại và tài chính chính phủ cho nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (chủ yếu cho 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

P.V