Hạn mức tín dụng - Công cụ điều hành chính sách được sử dụng linh hoạt và hiệu quả

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:18, 16/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ tại mỗi quốc gia cho thấy, ngân hàng trung ương có thể vận dụng các công cụ chính sách khác nhau nhằm đạt được mục tiêu của mình  cũng như yêu cầu của nền kinh tế. Đối với nước ta, với mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò và yêu cầu đối với ngân hàng trung ương về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội luôn là nhiệm vụ kép: giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu kép này, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, kết hợp sáng tạo công cụ thị trường và biện pháp hành chính trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước. Trong đó, yêu cầu sử dụng một số công cụ và biện pháp mang tính hành chính là cần thiết, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, khó khăn kinh tế vĩ mô do khủng hoảng kinh tế, do thiên tai dịch bệnh. Một trong các công cụ đó là định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm và hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD.

Việc linh hoạt và kết hợp vận dụng các công cụ khác nhau giúp đạt được mục tiêu kép đối với nền kinh tế, đồng thời ổn định thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong bối cảnh yêu cầu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng như hiện nay là những minh chứng cho hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ nhất, việc thực hiện chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng hàng năm và hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát. Đặc biệt, việc định hướng tăng trưởng tín dụng và hạn mức tín dụng sẽ góp phần cùng các công cụ khác giữ ổn định lãi suất, qua đó giữ ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giữ ổn định chi phí vốn vay, ổn định giá thành - các yếu tố quan trọng trong kìm giữ lạm phát, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi áp lực lạm phát đang gia tăng.

Thứ hai, thực hiện chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng và hạn mức tín dụng đối với các TCTD không chỉ góp phần quan trọng trong định hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo cho tăng trưởng tín dụng ổn định, an toàn và bền vững. Theo đó, bài học về tăng trưởng tín dụng nóng, về cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, về cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đầu tư tài chính, trong điều kiện thị trường vốn vẫn chưa phát triển mạnh, vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp phụ thuộc và được đáp ứng phần lớn từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng thời gian trước đây vẫn còn nguyên giá trị, nhất là dưới góc độ hiệu quả khai thác và sử dụng vốn của các TCTD. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép, cũng như an toàn và hiệu quả hoạt động tín dụng ngân hàng, cần thiết phải sử dụng công cụ này.

Thứ ba, việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng trong những năm vừa qua  đã cho thấy tác dụng tốt khi  vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, vừa đáp ứng tốt vốn cho nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ngoài việc định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và hạn mức tín dụng cho các TCTD, Ngân hàng Nhà nước điều hành và sử dụng linh hoạt công cụ này theo diễn biến của thị trường, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ hàng năm và trong từng khoảng thời gian của năm, điều chỉnh hạn mức tín dụng cho TCTD phù hợp, hiệu quả và đúng định hướng điều hành, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, bền vững vẫn là luôn là ưu tiên quan trọng. Chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô mới phát huy hiệu quả và mang lại giá trị của tăng trưởng kinh tế. Vì vậy các TCTD, các doanh nghiệp cần quan tâm và nhận thức đầy đủ ý nghĩa này để sử dụng vốn hiệu quả, ngành ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Song an toàn và hiệu quả luôn là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Nguyễn Đức Lệnh