Fed mạnh tay tăng lãi suất thêm 0,75% - mức tăng cao nhất kể từ năm 1994

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:45, 16/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 14-15/6/2022, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng % lãi suất cơ bản tới 0,75% - mức tăng cao nhất kể từ năm 1994 và sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong năm nay nhằm đối phó với lạm phát vốn đang tăng cao nhất trong 40 năm qua.

Với mức tăng 75 điểm cơ bản, lãi suất cho vay qua đêm sẽ dao động trong biên độ 1,5-1,75%. Fed cũng phát tín hiệu là sẽ cấp tập tăng lãi suất trong những tháng tới đây với mức tăng cao nhất trong những thập kỷ qua để chống lạm phát, và mức lãi suất này có thể sẽ lên tới 3,4% vào cuối năm nay (mức cao nhất kể từ tháng 1/2008), sau đó sẽ tăng lên 3,8% vào cuối năm 2023. Trong những tháng tới đây, tình trạng thất nghiệp sẽ trầm trọng hơn và kinh tế sẽ giảm tốc rõ rệt.

Đây là giải pháp tình thế và khó có lựa chọn khác, khi lạm phát đã tăng cao nhất trong 4 thập kỷ qua và đang trở thành thách thức lớn, buộc Fed phải có động thái quyết liệt, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Kết quả điều tra trong báo cáo của Fed cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng tăng mạnh trong tháng 6 và là lý do cơ bản để Fed quyết định tăng lãi suất tới 75 điểm cơ bản với hy vọng sẽ tạo ra tiến triển lớn trong nỗ lực chống lạm phát và duy trì niềm tin của công chúng. Tuy nhiên, Fed cũng sẽ phải tiến hành một cách thận trọng, để giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế.

Thị trường nhận định, Fed sẽ tăng lãi suất tới 0,75% vào tháng 7 và tăng 0,5% vào tháng 8 tại hai kỳ họp diễn ra tới đây. Động thái tăng lãi suất được dẫn dắt bởi dự báo kinh tế của Fed với GDP sẽ giảm xuống dưới mức bình thường 1,7% vào cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% vào  cuối năm và tiếp tục tăng lên 4,1% vào năm 2024.

Với nguy cơ suy thoái sẽ trở thành hiện thực, GDP có thể giảm xuống mức tăng trưởng 0% vào năm 2023, nền kinh tế sẽ đối mặt với rủi ro chưa từng có, lạm phát và thất nghiệp đều sẽ tăng quá mức. Theo dự báo, lạm phát (tính theo chi tiêu dùng cá nhân) sẽ tăng lên 5,2% vào cuối năm nay, sau đó sẽ giảm rất chậm xuống 2,2% vào năm 2024, mặc dù lãi suất tăng cao.

Sau báo cáo của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm, phản ánh khả năng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc xuống dưới xu hướng bình thường 1,7%, và Fed kỳ vọng sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ năm 2024 để vực dậy nền kinh tế.    

Sau một tuần lễ giảm điểm liên tiếp, giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại, sau thông điệp rõ ràng của Chủ tịch Fed về quyết tâm chống lạm phát, và thị trường trông chờ vào cuộc họp diễn ra vào tháng 7 tới đây. Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 tăng 54,51 điểm (1,5%) lên 3.789,99 điểm, chấm dứt chuỗi ngày giảm điểm sau 5 phiên giao dịch liên tiếp; chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 303,7 điểm (1,0%) lên 30.668,83 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 270,8 điểm (2,5%) lên 11.099,15 điểm.

Tại châu Âu, thị trường chứng khoán cũng phục hồi trở lại. Chỉ số FTSE 100 tại Luân Đôn tăng 85,95 điểm (1,2%) lên 7.273,41 điểm; chỉ số DAX tại Frankfurt tăng 180,9 điểm (1,36%) lên 13.485,29 điểm; chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 80,29 điểm (1,35%) lên 6.030,13 điểm. Tương tự, sắc xanh  cũng bao  phủ hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á ngay từ đầu phiên giao dịch sáng 16/6.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 2,7 USD (2,2%) xuống 118,51 USD/thùng; giá dầu WTI giao tháng 7 giảm 3,63 USD (3,04%) xuống 115.31 USD/thùng. 

Xuân Thanh