Sau 10 năm cho vay, công ty tài chính khởi kiện mới đòi được nợ

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 09:50, 17/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Công ty tài chính khởi kiện để đòi nợ, tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ đối với khoản phải thu…

 

Năm 2012 và năm 2013, một công ty tài chính và Công ty cổ phần Thương mại năng lượng Thăng Long ký các hợp đồng hạn mức tín dụng. Sau đó, Công ty tài chính đã giải ngân số tiền 10,6 tỷ đồng cho Công ty Thăng Long. Tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm quyền đòi nợ đối với Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, là khoản phải thu từ hợp đồng cung cấp bổ sung máy biến áp, xây dựng đường dây và Trạm biến áp cho khu công nghiệp của Công ty liên doanh khu chế xuất Hải Phòng; quyền sử dụng đất tại huyện Hoài Đức, Hà Nội của hộ ông Nguyễn Đăng Tuế và bà Nguyễn Thị Đồng; cam kết bảo lãnh của chủ doanh nghiệp là ông Nguyễn Văn Tám và bà Trương Thị Thanh Tú.

Do Công ty Thăng Long không trả nợ, Công ty tài chính đề nghị Tòa án buộc Công ty Thăng Long  thanh toán tổng số tiền 30,9 tỷ đồng bao gồm nợ gốc và lãi.

Đại diện theo pháp luật của Công ty Thăng Long thừa nhận các nội dung về ký kết hợp đồng và số nợ còn lại. Hiện nay, công ty không còn hoạt động trên thực tế, mã số thuế và con dấu bị thu hồi, tài sản công ty cũng đã sử dụng để thanh toán hết các khoản nợ. Công ty Thăng Long đề nghị Công ty tài chính cho thời gian để thanh toán dần các khoản nợ và đề nghị miễn toàn bộ số lãi.

Liên quan đến việc thế chấp khoản phải thu, được biết, Công ty Thăng Long mua máy biến áp từ Công ty ABB Power Grids Việt Nam và sau đó bán cho Công ty Điện lực Hải Phòng theo hợp đồng cung cấp bổ sung máy biến áp, xây dựng đường dây và Trạm biến áp nói trên. Do đó, Công ty Điện lực Hải Phòng cho rằng Công ty Thăng Long chỉ là một thành viên trong liên danh nhà thầu cung cấp thiết bị, nên không có đầy đủ năng lực chủ thể  để ký kết hợp đồng thế chấp với khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng nói trên. Máy biến áp T2 theo hợp đồng không thuộc quyền sở hữu của Công ty Thăng Long mà là tài sản của liên danh nhà thầu. Khi ký hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm, máy biến áp đã được bàn giao cho Công ty Điện lực Hải Phòng và thuộc quyền sở hữu của Công ty Điện lực Hải Phòng.

Công ty Điện lực Hải Phòng cho rằng việc cho vay, giải ngân tín dụng và thế chấp giữa Công ty tài chính và Công ty Thăng Long là giao dịch giả tạo do không có sự logic, phù hợp về thời gian thực hiện giao dịch giữa các bên. Công ty Điện lực Hải Phòng đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu đối với phần thế chấp quyền đòi nợ khoản phải thu.

Tuy nhiên, Tòa án cho rằng theo các tài liệu trong vụ việc, trước khi Công ty Thăng Long ký hợp đồng với Công ty Điện lực Hải Phòng thì đã ký hợp đồng mua máy biến áp từ Công ty ABB. Công ty Thăng Long đã thanh toán toàn bộ số tiền mua máy biến áp Công ty ABB, do đó có căn cứ xác định Công ty Thăng Long là chủ thể duy nhất có quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng với Công ty Điện lực Hải Phòng. Công ty Thăng Long có quyền thế chấp quyền đòi nợ này cho Công ty điện lực.

Từ đó, Tòa án xác định không có cơ sở chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty tài chính đối với Công ty Thăng Long, buộc Công ty Thăng Long số tiền 26,9 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Trường hợp Công ty Thăng Long không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì Công ty tài chính có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi nợ bao gồm quyền đòi nợ đối với Công ty Điện lực Hải Phòng; quyền sử dụng đất ở Hoài Đức, Hà Nội; nghĩa vụ bảo lãnh của ông Nguyễn Văn Tám, bà Trương Thị Thanh Tú.

Bùi Trang