Hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:08, 23/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 22/6/2022 tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Thực hiện Nghị quyết 42 về giải quyết nợ xấu - Vai trò của Tòa án”. Hội thảo được tổ chức nhằm giải quyết vấn đề pháp lý đang tồn tại và tạo môi trường thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

Tọa đàm có sự tham dự của: ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh doanh thương mại; ông Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC); bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); các đại biểu thuộc TANDTC, Bộ Tư pháp, NHNN và một số ngân hàng thương mại…

Quang cảnh buổi tọa đàm

Nghị quyết số 42 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động xử lý nợ xấu

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, TANDTC cho biết, Luật Phá sản ban hành năm 2014 đã tạo ra khung pháp lý cho việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Qua thời gian đi vào thực tiễn, bên cạnh thành tích đạt được, một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực này đã bộc lộ hạn chế, bất cập, cần được nhìn nhận và đánh giá nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều biến động, nhiều quan hệ kinh tế mới phát sinh liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu và giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nhằm giải quyết vấn đề pháp lý và tạo môi trường thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, buổi Tọa đàm này tập trung làm rõ vai trò của Tòa án trong bối cảnh giải quyết nợ xấu, giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn, các văn bản hiện hành liên quan Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) của Quốc hội về xử lý nợ xấu, xác định một số hệ thống thực thi hiệu quả. Từ đó, đề ra các giải pháp giải quyết tranh chấp và xử lý nợ xấu, tạo cơ hội phát triển thị trường nợ xấu, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế.

Trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho biết, Nghị quyết số 42 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD, là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Qua 5 năm triển khai, Nghị quyết thực sự đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của hệ thống các TCTD trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng bảo đảm sự ổn định, an toàn, lành mạnh và sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng và đóng góp vào kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm mặt bằng lãi suất, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nói chung.

Cũng theo bà Vũ Ngọc Lan, việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn được quy định tại Nghị quyết 42 đã góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, thúc đẩy việc xử lý các khoản nợ xấu để khơi thông dòng vốn, hỗ trợ cho các khách hàng vay cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của TCTD. Áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án đối với các tranh chấp về tài sản bảo đảm là phù hợp, góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tốc độ xử lý vụ việc, qua đó góp phần giảm tải công việc cho hệ thống tòa án, tăng cường kết quả xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Vũ Ngọc Lan, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc mà trong thời gian kéo dài Nghị quyết cũng như trong quá trình luật hóa nhằm cần được sự hỗ trợ từ phía Tòa án. Cụ thể: Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự chưa có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết để xác định TSBĐ có đủ điều kiện để thu giữ hay không. Các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp còn có cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp, tài sản đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gây khó khăn cho TCTD, VAMC khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42. Việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án để áp dụng thủ tục rút gọn gặp khó khăn do nhiều trường hợp khách hàng không hợp tác với TCTD,…

Ngoài ra, Nghị quyết số 42 cũng chưa có quy định về việc được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng vay, gây khó khăn cho TCTD trong việc xử lý nợ xấu. 

Đề xuất giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho xử lý nợ xấu

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các chuyên gia của IFC, WB và các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận, làm rõ một số vấn đề liên quan đến thông lệ quốc tế về đánh giá nợ xấu, thu giữ và cưỡng chế tài sản bảo đảm; Các quy tắc điều chỉnh các điều kiện đơn giản để thu giữ tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu; Đơn giản hóa các thủ tục tranh chấp bàn giao và cưỡng chế tài sản thế chấp; Việc sử dụng các tài sản bị cản trở liên quan đến nợ xấu làm bằng chứng trong các vụ án hình sự; Đánh giá giá trị nợ xấu độc lập theo quy định của Luật Thi hành án dân sự...

Trình bày tham luận về xử lý nợ xấu theo quy định của Nghị quyết số 42 tại TAND, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, TANDTC cho biết, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 42, TANDTC đã khẩn trương, nghiêm túc quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 42 cho toàn thể các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân tại các Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc để bảo đảm giải quyết hiệu quả, nhanh chóng các tranh chấp về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại TAND, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đến ngày Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành. Theo đó, Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; một số quy định của pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết số 42.

Ngoài ra, TANDTC đã phối hợp chặt chẽ với NHNN, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và các tổ chức có liên quan trao đổi khó khăn vướng mắc, hướng dẫn nghiệp vụ, quán triệt việc áp dụng các quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về nợ xấu đối với Tòa án các cấp.

Dẫu vậy, ông Nguyễn Tiến Mạnh cũng thừa nhận, cho đến nay, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu vẫn còn hạn chế. Hầu hết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thường rất phức tạp nên không được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà vẫn theo thủ tục tố tụng thông thường.

Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đại diện TANDTC đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm như: Đánh giá tính khả thi của quy định về áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trong việc tạo cơ chế xử lý nợ xấu tại Tòa án; đặc biệt là đồng bộ các cơ chế quy định về quản lý, đăng ký tài sản. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất, quyền sử dụng đất đáp ứng yêu cầu công khai, tra cứu thông tin, phòng tránh rủi ro, tranh chấp và bảo đảm ổn định quan hệ sử dụng đất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Ban hành Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Tăng cường sự phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin đối với các vụ việc mà Tòa án giải quyết; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xác minh, thẩm định của tổ chức tín dụng đối với tài sản bảo đảm,….

P.V