Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 12:30, 27/06/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đối với khách hàng. So với Thông tư cũ, dự thảo Thông tư mới có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là NHNN đã bổ sung thêm “Hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử”.

Lý giải sự cần thiết phải sửa đổi Thông tư số 39, NHNN cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39), một số TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đề nghị NHNN làm rõ một số nội dung tại Thông tư 39; đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng an toàn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN là cần thiết để tạo điều kiện cho các TCTD thống nhất thực hiện.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Tiếp thu những kiến nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các TCTD hội viên, tại dự thảo Thông tư này, NHNN đã bổ sung Điều 24a vào sau Điều 24 như sau: “Điều 24a: Hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử”.

Theo đó, dự thảo quy định: TCTD phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; phải thực hiện quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro các quy trình nghiệp vụ được thực hiện tự động hóa, trong đó cần áp dụng các mô hình giám sát rủi ro và cảnh báo sớm để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận;

Trường hợp để nhận biết và xác minh khách hàng vay vốn qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, TCTD phải có biện pháp, hình thức công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các giấy tờ tùy thân gắn với khách hàng hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử được cấp phép hoặc với thông tin tại kho dữ liệu khách hàng của tổ chức tín dụng…

NHNN cho biết, việc bổ sung Hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phù hợp với Điều 97 Luật các TCTD. Cụ thể, Điều 97 Luật các TCTD quy định: “TCTD được thực hiện các hoạt động kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của NHNN về quản lý rủi ro và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.

Hơn nữa, điều này cũng phù hợp với đề nghị của TCTD và phù hợp với chủ trương Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến năm 2025 của Thống đốc NHNN tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021. Đồng thời, để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng, dự thảo Thông tư bổ sung một Điều quy định chung về hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác cho phù hợp với hình thức cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử.

“Cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử khác cho vay bằng phương tiện truyền thống ở hình thức cho vay. Do đó, cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại luật các TCTD, Thông tư 39, các quy định của pháp luật liên quan và các quy định nội bộ của TCTD”, NHNN yêu cầu.

Một điểm nhấn nữa được bổ sung trong dự thảo, đó là: ngoài pháp nhân, cá nhân như ở Thông tư hiện tại, dự thảo Thông tư bổ sung thêm hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân). Việc cho vay đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được xác lập qua đại diện theo ủy quyền quy định.

Đối với quản lý hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản. Tại dự thảo Thông tư, NHNN nêu rõ: “TCTD không được cho vay để thanh toán tiền đặt cọc cho các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện thực hiện như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...”.

Bởi lẽ, NHNN cho biết, TCTD vẫn cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai, tuy nhiên, hầu hết các dự án bất động sản được chuyển nhượng chưa đủ điều kiện như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Sau khi TCTD cấp tín dụng, khách hàng và chủ đầu tư có thể hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại dự thảo Thông tư này, NHNN cũng đưa quy định cấm TCTD không được cho vay đối với các nhu cầu vốn bao gồm: Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư; để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm; để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư; để mua vàng miếng.

Thông tư cũng quy định sẽ cấm cho vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính TCTD cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay mà TCTD và khách hàng đã xác định ngay từ ban đầu khi ký thỏa thuận cho vay phù hợp với quy định pháp luật liên quan; để trả nợ khoản cấp tín dụng tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.     

Quý độc giả có thể tham khảo toàn bộ dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT- NHNN tại đây.

Ngô Hải