Chưa đến 5% neobank trên thế giới đang có lãi
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 15:25, 01/07/2022
Ngân hàng số thế hệ mới là một trong những phân khúc fintech được nói đến nhiều nhất trong thập kỷ qua. Dữ liệu từ công ty tư vấn Simon-Kucher cho thấy, kể từ năm 2017, cứ mỗi năm ngành nghiệp này lại có 68 dự án mới được ra đời.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy, các neobank đang gặp khó khăn về lợi nhuận: chỉ 5% trong số khoảng 400 ngân hàng số thế hệ mới trên thế giới đạt điểm hòa vốn.
Theo báo cáo, 2021 là một năm thuận lợi đối với neobank khi chào đón 59 thành viên mới trên toàn cầu, nâng tổng số neobank hoạt động lên 397 tính đến tháng 1/2022. Theo ước tính, các công ty này hiện phục vụ khoảng 1 tỷ khách hàng.
|
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư đổ vào tăng vọt vào năm 2021 đã đẩy giá trị của neobank lên một tầm cao mới, nâng giá trị của toàn ngành ước tính lên tới 300 tỷ USD. Báo cáo cho biết, thị trường này thu hút trên 40 “kỳ lân công nghệ” và phân bổ tương đối đồng đều trên các khu vực trọng điểm.
Định giá của Neobanks, Nguồn: Simon-Kucher Global Neobanking Radar, 2022 |
Tuy nhiên, bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này và sự quan tâm của các nhà đầu tư, chưa đến 5% neobank trên thế giới thu được lợi nhuận, theo ước tính, hầu hết doanh thu trên mỗi khách hàng đều dưới 30 USD mỗi năm. Hơn nữa, tốc độ đốt tiền mặt (cash burn rate) vẫn ở mức cao đối với một số ngân hàng, trong một số trường hợp, mức lỗ hàng năm vượt quá 100 triệu USD.
Các ước tính từ Simon-Kucher trùng khớp với các nghiên cứu khác về ngành công nghiệp neobank. Phân tích của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) năm 2021 cho thấy, trong số 249 ngân hàng số thế hệ mới hoạt động vào cuối năm 2020, chỉ có 13 ngân hàng đạt được lợi nhuận, tương đương 5%.
Nhu cầu sinh lời bền vững
Theo Simon-Kucher, một phần nguyên nhân các ngân hàng thế hệ mới không đạt được lợi nhuận bền vững nằm ở sự ám ảnh cố hữu về tăng trưởng và sau đó là các lựa chọn chiến lược.
Hầu hết các neobank tập trung nỗ lực mở rộng quy mô và hiện diện theo vùng địa lý, đầu tư vào các xu hướng sản phẩm mới nổi và mở rộng danh mục sản phẩm. Tuy nhiên, để tồn tại lâu dài, các ngân hàng này cần một chiến lược dài hạn hơn để kiếm tiền và sinh lời, con đường đó có thể là mở rộng sản phẩm đằng sau dịch vụ tài khoản và dịch vụ thanh toán dựa trên thẻ - hai sản phẩm cốt lõi của mô hình ngân hàng này.
Ngoài ra, các xu hướng dịch vụ mới nổi như mua ngay trả sau (BNPL), tài chính nhúng, đầu tư kỹ thuật số, tiền mã hóa, cho vay thế chấp số/cho vay kỹ thuật số, có khả năng trở thành những dịch vụ chủ lực cho các ngân hàng thế hệ mới.
Trong đó, BNPL và tài chính nhúng là hai thị trường đang bùng nổ; đầu tư kỹ thuật số đang là một trong những sản phẩm ngân hàng số đem lại lợi nhuận nhiều nhất và đang được những người thành thạo về kỹ thuật số sử dụng; các dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa có tỷ suất lợi nhuận cao và có nhiều người dùng lần đầu; nhưng cho vay thế chấp/cho vay kỹ thuật số vẫn là một phân khúc còn nhiều hạn chế vì thiếu các giải pháp kỹ thuật số thực sự.