Dù đã tạo đáy, cổ phiếu thép vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngắn hạn
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:48, 06/07/2022
Cổ phiếu lao dốc
Có thể thấy, sau giai đoạn hưởng lợi từ giá thép tăng cao và lập đỉnh lịch sử, nhóm cổ phiếu thép đã đảo chiều và bước vào chu kỳ giảm điểm mạnh.
Cổ phiếu ngành thép trên sàn chứng khoán liên tục có những phiên “đỏ lửa”, thậm chí giảm sàn. Theo CTCK VNDIRECT, HPG trở thành mã lấy đi nhiều điểm nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với mức giảm 38%. Các mã thép khác cũng không năm ngoài xu hướng với HSG giảm 54%, NKG giảm 40%, mã TLH giảm 55%, SMC giảm 47%,
Áp lực bán đã có dấu hiệu vơi bớt tại vùng đáy trong những phiên gần đây nhưng dòng tiền vào ảm đạm đã hạn chế đáng kể khả năng hồi phục của các cổ phiếu thép.
Nhận định về triển vọng của nhóm cổ phiếu thép, CTCK SSI cho rằng, cho đến nay, giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. Với mức định giá hiện tại, rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước đặc biệt là đối với nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đà tăng cũng có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới.
Nhu cầu giảm, giá thép điều chỉnh
Theo SSI Research, sau khi tăng 15% trong quý I nhờ nhu cầu dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do sự kết hợp của 3 yếu tố là giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ; lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho; các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.
Sản lượng xuất khẩu của thép thành phẩm đạt mức tăng trưởng 13% trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV/2021.
Sự sụt giảm về sản lượng như vậy được lý giải là do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60 - 70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.
Các công ty tôn mạ như CTCP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG) đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu thực hiện cho đến cuối tháng 7 và tháng 8 với sản lượng khoảng 60.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, việc chỉ có các đơn hàng xuất khẩu trước từ 1 - 2 tháng cho thấy xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước, thời điểm các công ty ký được trước khoảng 3 - 4 tháng, Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt.
Về giá, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.
Giá HRC ở Trung Quốc và Mỹ cũng giảm 15 - 20% trong 3 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn, trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới, và đặc biệt là do nhu cầu yếu ở Trung Quốc trước tình hình giãn cách xã hội, thời tiết bất lợi và thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng.
Về nguồn cung, sản lượng thép toàn cầu nhìn chung đã giảm trong nửa đầu năm 2022, với tổng sản lượng sản xuất ước tính giảm 6,3% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính theo tháng, sản lượng thép sản xuất tại Trung Quốc đã tăng dần trong 3 tháng qua, làm gia tăng lượng hàng tồn kho tại nhà máy và tạo thêm áp lực lên diễn biến giá thép trong khu vực.
Tỷ suất lợi nhuận giảm sút
Trong điều kiện không mấy tích cực, tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép được dự báo sẽ giảm trong quý II và quý III/2022. Theo SSI Research, lợi nhuận năm 2022 của HPG có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của HSG cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Tương tự với NKG, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.
Thực tế, các doanh nghiệp cũng thừa nhận, tình hình đối với ngành thép hiện không mấy khả quan. Tại Đại hội đồng cổ đông HPG ngày 24/5/2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG nêu lý do đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm so với năm ngoái, dù quý I lãi cao: “Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV đi rồi sẽ thấy. Lúc này, ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý II/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.
Trong khi đó, ban lãnh đạo HSG cho biết, giá HRC dự báo giảm, các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong 2022 như với năm 2021, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có khả năng giảm từ mức cao trong năm 2022. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ của riêng HSG mà còn tác động mạnh đến hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành.
Tuy nhiên, SSI Research cũng đưa ra góc nhìn tích cực hơn. Việc giảm tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Hiện tại, giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt là từ Trung Quốc). Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, song nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo. Mặt khác, do tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu, nên giá thép trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, sự hồi phục của giá thép cũng tương đối hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
SSI Research cũng lưu ý thêm, sụt giảm là điều không thể tránh khỏi nhưng tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép dự kiến sẽ không giảm xuống mức tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn đáy 2018 - 2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.