Hơn 1.000 khách hàng chịu thiệt hại ở dự án 409 Lĩnh Nam
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 11:08, 06/07/2022
|
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Long (SN 1972, ở quận Tây Hồ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nhà Vĩnh Hưng), Phạm Như Quỳnh (SN 1980, cựu Giám đốc CTCP phát triển và thương mại Hạ Long) và Trần Lê Nghĩa (SN 1972, ở quận Hai Bà Trưng, cựu Giám đốc Công ty Vĩnh Hưng) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án liên quan đến Dự án chung cư số 409 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hương, quận Hoàng Mai.
Được biết, từ năm 2014, UBND TP. Hà Nội nhận được đơn thư của quần chúng nhân dân tố cáo một số doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn và quyền ưu tiên mua căn hộ hình thành trong tương lai tại dự án chung cư số 409 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra xác định, dự án 409 Lĩnh Nam gồm 2 thửa đất diện tích 8.008,4m2 và 4.285,2m2. Nguồn gốc đất 8.008,4m2 do CTCP Hanel xốp nhựa quản lý còn diện tích 4.285,2m2 do Công ty điện tử Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Hanel) quản lý.
Năm 2003, thực hiện chủ trương quy hoạch của Thành phố, CTCP Hanel xốp nhựa di dời nhà xưởng sang quận Long Biên. Do đó, doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản trên cho Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 thuộc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. Năm 2004, UBND TP. Hà Nội có quyết định giao Công ty nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư và lập dự án nhà ở trên diện tích 8.08,4m2. Công ty nhà Hà Nội số 5 liên danh với CTCP Xây dựng và phát triển nhà Vĩnh Hưng để thành lập Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng.
Đến năm 2008, Công ty điện tử Hà Nội cũng ký hợp đồng hợp tác với Công ty Vĩnh Hưng để triển khai dự án trên diện tích 4.285,2m2.
Năm 2009, bị cáo Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch HĐQT CTCP bất động sản Megastar mua lại Công ty Vĩnh Hưng với giá 115 tỷ đồng. Cùng năm đó, UBND TP. Hà Nội có quyết định điều chỉnh cục bộ khu đất tại 409 Lĩnh Nam, cho phép Công ty Hanel hợp tác với Công ty Vĩnh Hưng để nghiên cứu, lập dự án khu nhà ở kết hợp văn phòng và dịch vụ.
Mặc dù UBND TP. Hà Nội mới chấp thuận chủ trương, dự án chưa được cấp phép cho chủ đầu tư song bị cáo Long vẫn đưa ra các thông tin gian dối với khách hàng. Bị cáo giới thiệu dự án đã được phê duyệt và Công ty Vĩnh Hưng đang triển khai thi công xây dựng theo đúng tiến độ, cam kết chậm nhất không quá 3 tháng kể từ ngày ký cam kết sẽ triển khai xây dựng hạ tầng.
Để khách hàng tin tưởng, tháng 1/2010, bị cáo thuê đơn vị thi công tiến hành đào đất làm tầng hầm, ép cọc nhồi, làm tường vây… và gửi thư mời các khách hàng đến dự lễ khởi công. Thực tế, do thi công trái phép nên công ty bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng.
Tài liệu điều tra cho thấy, từ năm 2009-2013, Nguyễn Hoàng Long trực tiếp ký 13 hợp đồng vay tài sản và ưu tiên mua nhà hình thành trong tương lai với các cá nhân, ký hợp đồng hợp tác với CTCP kinh doanh dịch vụ cung cấp dầu khí Việt Nam, thu hơn 113 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện việc huy động vốn và thu tiền của khách hàng, Nguyễn Hoàng Long còn bổ nhiệm Trần Lê Nghĩa làm giám đốc Công ty Vĩnh Hưng. Theo chỉ đạo của Long, Nghĩa ký 328 hợp đồng huy động vốn của các cá nhân, thu hơn 157,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2009, Nguyễn Hoàng Long còn ký hợp đồng hợp đầu tư với Phạm Như Quỳnh – Giám đốc CTCP đầu tư phát triển và thương mại Hạ Long. Phạm Như Quỳnh biết rõ dự án này chưa được cấp phép song vẫn đưa các thông tin gian dối là Công ty thương mại Hạ Long có quyền ký bán các căn hộ hình thành trong tương lai…
Tương tự, Quỳnh đã ký 574 hợp đồng dưới hình thức vay vốn và ưu tiên bán căn hộ hình thành trong tương lai để thu hơn 191 tỷ đồng. Bị cáo chuyển cho Long hơn 147 tỷ đồng, bản thân chiếm hưởng 43,7 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, bị cáo Long khai nhận, khi mua lại vốn góp, Công ty Vĩnh Hưng không có tài sản gì ngoài các hồ sơ, thủ tục lập dự án. Mặc dù biết dự án chưa được cấp phép nhưng để có tiền, bị cáo vẫn đưa các thông tin gian dối.
Cơ quan tố tụng xác định, Nguyễn Hoàng Lông đã trực tiếp ký, đồng thời, thông qua bị cáo Nghĩa và Quỳnh ký tổng số 1.024 hợp đồng, thu số tiền gần 462 tỷ đồng. Trừ số tiền Quỳnh chiếm hưởng 43,7 tỷ đồng, còn lại hơn 418 tỷ đồng, bị cáo Long sử dụng để trả lại khách hàng, chi cho dự án, chuyển cho các công ty con khác vay vốn… Đến nay bị cáo không có khả năng khắc phục hậu quả.
Trong vụ án này, do sự việc xảy ra từ lâu, số lượng bị hại nhiều, số lượng bị hại lên đến 1.028 người. Tại phiên tòa ngày 5/7, có 62 bị hại đến tòa, trong đó có 4 người chưa được lấy lời khai. Ngoài ra, có 1 bị cáo vắng mặt. Do đó, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa.