Samsung có thể sẽ có quý “bội thu” nhất kể từ năm 2018

Công nghệ - Ngày đăng : 10:54, 06/07/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lợi nhuận quý II/2022 của “gã khổng lồ công nghệ” Samsung có khả năng đạt được mức tốt nhất kể từ năm 2018 với mức tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu đối với chip nhớ từ khách hàng mua máy chủ được duy trì ở mức cao, bù đắp cho doanh số bán cho các hãng sản xuất điện thoại thông minh.

Theo ước tính của Refinitiv SmartEs, lợi nhuận hoạt động của hãng sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới có thể đạt 14.460 tỷ won (11,2 tỷ USD) trong quý III, tăng 15% từ mức 12.570 tỷ won cùng kỳ năm trước.

Riêng lợi nhuận từ mảng kinh doanh chip của Samsung dự kiến tăng 49%, đạt 10.300 tỷ won, chiếm khoảng một nửa lợi nhuận của tập đoàn.

Về triển vọng nhu cầu chip nhớ toàn cầu, ông Park Sung-soon, chuyên gia phân tích tại CAPE Investment & Securities, cho biết, các tên tuổi công nghệ của Mỹ như Amazon, Microsoft, Alphabet và Meta dự kiến ​​sẽ tiếp tục mua vào để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ điện toán đám mây trong khi tồn kho chip nhớ tại các tập đoàn này không cao so với năm 2018.

Bên cạnh đó, Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng tại Đài Loan (Trung Quốc) và cũng là nhà sản xuất iPhone cho Apple, ngày 4/7 đã nâng dự báo lợi nhận cả năm nhờ sự lạc quan vào triển vọng quý III, cho thấy nhu cầu chip nhớ vẫn sẽ ổn định trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất chip trên toàn thế giới cũng đang phải đối mặt với nhu cầu giảm nhiệt sau hai năm bội thu trong đại dịch khi nhu cầu mua điện thoại và laptop để làm việc tại nhà tăng cáo, dẫn đến tình trạng khan hiếm chip và đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Ngoài ra, đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 gần đây tại Trung Quốc khiến nhiều thành phố lớn tại nước này bị phong tỏa trong thời gian dài cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng và đẩy lạm phát lên cao, dẫn đến doanh số bán điện thoại thông minh giảm mạnh. Lo ngại về sự suy thoái kinh tế tại các nước lớn, bao gồm cả Mỹ, do lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị cũng đang khiến người tiêu dùng toàn cầu thắt chặt chi tiêu và các doanh nghiệp thắt chặt ngân sách.

Quỳnh Dương