Ngành Ngân hàng nỗ lực chuyển đổi số và tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong cơ cấu lại các TCTD

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 20:13, 17/07/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra ngày 15/7, đại diện lãnh đạo các vụ, cục chức năng của NHNN đã trình bày báo cáo và thảo luận về một số mặt công tác của ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm.

Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững

Báo cáo đánh giá về kết quả công tác phát triển thanh toán và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, định hướng 6 tháng cuối năm, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho biết, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), NHNN cùng hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nỗ lực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Một số kết quả nổi bật trong phát triển thanh toán và hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 có thể kể đến như xây dựng cơ chế, chính sách, khung pháp lý tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, phát triển TTKDTM; phát triển các hệ thống nền tảng của toàn ngành; Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục tài chính về TTKDTM, thúc đẩy chuyển đổi số đã được thực hiện với các hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, góp phần thay đổi nhận thức về lợi ích của TTKDTM…

Đánh giá khái quát về kết quả thực hiện được trong 6 tháng đầu năm 2022, ông Lê Anh Dũng khẳng định, quá trình triển khai chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0, chương trình chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Ngành Ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập tài chính quốc tế. 

Bên cạnh đó, với tiếp cận “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Kết quả này cho thấy ngành Ngân hàng rất quan tâm, có nhiều nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số.

Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán đã đề xuất một số biện pháp trong trong thời gian 6 tháng cuối năm.

Về phía các đơn vị vụ, cục NHNN, cần xây dựng cơ chế, chính sách, ban hành quy định tạo thuận lợi cho phát triển TTKDTM gắn với thực hiện Đề án theo Quyết định 1813; phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an đẩy nhanh kết nối, khai thác thông tin CSDLQ về dân cư và CCCD gắn chip theo Đề án 06 để đảm bảo định danh, xác thực khách hàng chính xác, làm sạch dữ liệu tại TCTD và làm sạch dữ liệu, hỗ trợ đối sánh dữ liệu tại các đơn vị chức năng của NHNN phục vụ quản lý nhà nước. 

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn gắn với hoạt động chuyển đổi số ngân hàng và công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực thanh toán; Thực hiện giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng hướng tới hoạt động an toàn, hiệu quả, vận hành thông suốt.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc.

Về phía NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án 1813 về phát triển TTKDTM, Kế hoạch 810 về Chuyển đổi số ngành ngân hàng với vai trò cánh tay nối dài của NHNN trong quản lý, phát triển thanh toán và hỗ trợ công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thành phố; Chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố về những vấn đề triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển TTKDTM trên địa bàn với những giải pháp, sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Về phía các TCTD, tổ chức vận hành hệ thống, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra và thực thi có hiệu quả chiến lược, chương trình chuyển đổi số của đơn vị đã được phê duyệt; Chủ động rà soát, đánh giá, kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh an toàn trước rủi ro xâm nhập, tấn công mạng; Nghiêm túc chấp hành, tuân thủ các hướng dẫn, thông báo, cảnh báo của NHNN và các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông); Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn, phòng ngừa tội phạm, các hành vi phạm pháp luật theo các chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN thời gian vừa qua; Chủ động thông tin kịp thời cho đơn vị chức năng của NHNN về các sự cố mất an ninh, an toàn thông tin để có biện pháp xử lý phù hợp.

Quan tâm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho khách hàng, người dân về sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, phù hợp; giúp khách hàng có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro khi giao dịch trên môi trường điện tử.

Đánh giá cao kết quả đã đạt được trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số của ngành, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đề nghị các vụ, cục NHNN cần tiếp tục xây dựng các quy định về pháp lý để giúp ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, bên cạnh số hoá hoạt động thanh toán còn có hoạt động cho vay nhỏ lẻ. Trong khi đó, các TCTD cần đảm bảo an ninh, an toàn, thường xuyên giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt.

Mặt khác, Phó Thống đốc cũng chỉ ra, sự phát triển TTKDTM có sự không đồng đều giữa các tỉnh thành, khu vực. Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị liên quan cần tiếp tục thúc đẩy chuyển số ở các tỉnh, thành phố nhỏ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường kiểm soát nội bộ, sớm phát hiện sai phạm và xử xý nghiêm; sớm thống kê và thu thập đầy đủ dữ liệu phục vụ giám sát tín dụng, đồng thời tăng cường  khâu đối chiếu để phát hiện các sai lệch...

Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua NHNN cũng luôn chú trọng đến công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Báo cáo tại Hội Nghị, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án) báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 phê duyệt Đề án.

Đề án tập trung vào 3 nhóm giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp chung, nhóm giải pháp cơ cấu lại TCTD và nhóm giải pháp xử lý nợ xấu. Lộ trình thực hiện Đề án chia ra 2 giai đoạn: giai đoạn 2022 – 2023 và giai đoạn 2024 – 2025.

Triển khai Quyết định số 689/QĐ-TTg, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, trong đó phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể tới các đơn vị trong ngành Ngân hàng để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD xây dựng và triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2025 phù hợp với mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Đề án.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị.

Đối với các TCTD, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN, các TCTD xây dựng xây dựng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2025.

Đối với các đơn vị thuộc trụ sở chính NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch hành động của ngành.

Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng cũng yêu cầu các TCTD, các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo chất lượng, tiến độ và mục tiêu đề ra

Trên cơ sở của Đề án, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đề nghị trong thời gian tới cần tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu đến năm 2025 xử lý các ngân hàng yếu kém không phát sinh các ngân hàng yếu kém.

Bên cạnh đó, cần phát triển các TCTD đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng đến nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực; xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa tối đa nợ xấu mới phát sinh, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

Quỳnh Lê - Minh Ngọc