Đạm Cà Mau đạt 8.247 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm, vượt xa kế hoạch

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:59, 18/07/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của CTCP Phân bón Dầu khí Đạm Cà Mau (mã DCM – sàn HOSE) ước đạt 8.247,24 tỷ đồng, vượt 82% so với kế hoạch 6 tháng và đạt 91% kế hoạch năm, vượt 91% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế vượt cao so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021.

Vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm

Tại Hội nghị Sơ kết công tác Đảng, công tác sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Đạm Cà Mau cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã triển khai và hoàn thành các chỉ tiêu chính sản xuất, tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận.

Cụ thể, sản lượng sản xuất urê quy đổi đạt 474.350 tấn (bằng 105% so với kế hoạch 6 tháng, 55% kế hoạch năm, bằng 104% so cùng kỳ 2021). Sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 432.380 tấn (bằng 115% so với kế hoạch 6 tháng, 56% kế hoạch năm và bằng 103% so cùng kỳ 2021). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 297,85 tỷ đồng, đạt 440% so với kế hoạch năm 2022.

Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành an toàn ổn định của với công suất trung bình lũy kế đến nay đạt 111% so với thiết kế.

Theo Đạm Cà Mau, để đạt được kết quả như trên, doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, thông suốt; đồng thời giá phân bón liên tục duy trì ở mức cao do ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine.

Mặc dù theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, Đạm Cà Mau phải xây dựng giá bán theo giá bình quân của 4 thị trường thế giới, tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty luôn tìm kiếm những giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân thông qua các chương trình bỏ phiếu tặng quà, quay số trúng thưởng, hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý… để giảm gánh nặng về vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp

Với việc thực thi nhiều giải pháp, nên dù giá khí tăng theo giá dầu, nhưng mức tăng giá phân bón cao hơn, nên đã tác động tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của Đạm Cà Mau. Ngoài ra, doanh cũng tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác.

Ngoài ra, ban lãnh đạo PVCFC cũng đặc biệt linh hoạt trong việc triển khai các phương án xuất khẩu trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho tăng cao. Từ đó, đã nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường không chỉ với dòng sản phẩm urê, mà với các dòng sản phẩm khác như NPK, OM Cà Mau, góp phần hoàn thành các mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Tổng sản lượng urê xuất khẩu 6 tháng của PVCFC đạt hơn 200.000 tấn đi Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh.

Tăng tốc trong 6 tháng cuối năm

Theo Đạm Cà Mau, những tháng cuối năm 2022, tỷ lệ lạm phát tăng lên trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế đang xấu đi, đồng nghĩa với việc giá tất cả hàng hóa sẽ tăng lên và sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm và chịu tác động nặng nề. Tình hình xung đột Nga - Ukraine cùng các chính sách trừng phạt kinh tế, cấm vận cũng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu, giá năng lượng lên cao làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất.

Bên cạnh đó, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu dự báo sẽ gây ra những tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá nông sản chưa được cải thiện nhiều trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao tiềm ẩn nguy cơ nông dân giảm canh tác hoặc chuyển đổi sang sử dụng phân bón giá rẻ kém chất lượng.

Trước những đánh giá thị trường và tình hình kinh tế vĩ mô nêu trên, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau đã có những dự báo, đánh giá, cập nhật vào mục tiêu kế hoạch, điều hành sản xuất kinh doanh cụ thể trong những tháng còn lại năm 2022. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là đảm bảo Nhà máy Đạm Cà Mau được vận hành hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất đối với các loại sản phẩm hiện tại; triển khai nhanh đưa vào sử dụng các chương trình/đề án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng nâng cao hiệu quả sản xuất...

Đặc biệt, trong thời gian này, PVCFC cũng như các nhà sản xuất phân bón tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam, bám sát các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội để kiến nghị sửa Luật thuế 71/2014/QH13 này nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Trên thị trường chứng khoán, theo xu hướng giảm chung của thị trường, cổ phiếu DCM ghi nhận lao dốc 26% trong vòng 1 tháng vừa qua, hiện đang giao dịch ở vùng giá 29.600 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 18/7).

Quỳnh Dương