Huy động nguồn lực cho phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Kết nối - Ngày đăng : 16:38, 20/07/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng có thể phát huy tiềm năng, phát triển bền vững và trở thành động lực phát triển cho cả vùng và cả nước, đòi hỏi các địa phương này cũng phải có nguồn lực phát triển đầy đủ.

Cần nghị quyết mới cho đồng bằng sông Hồng

Ngày 19/7, tại Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Vùng ĐBSH là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội (KT -XH) của cả nước; là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, quốc phòng an ninh; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển KT-XH; là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước. Hạt nhân phát triển vùng ĐBSH là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB), vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về phát triển KT -XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW. Đây là cơ sở quan trọng, tạo ra nền tảng cho sự phát triển nhanh theo hướng bền vững của Vùng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết, ông Nguyễn Duy Hưng đã nhấn mạnh, sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển KT-XH toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực KT -XH, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển vùng ĐBSH vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi Bộ Chính trị sớm ban hành Nghị quyết mới về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó Ban Kinh tế TW là đơn vị tham mưu xây dựng Nghị quyết…

7/11 địa phương đã tự cân đối ngân sâch

Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, quốc phòng, an ninh của cả nước.

“Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để vùng ĐBSH phát triển mạnh mẽ, đi đầu cả nước và là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới..."- ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Được biết, đến nay, đã có 7/11 địa phương tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương; quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước, nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá vùng kinh tế này vẫn chưa thực sự phát huy lợi thế, tiềm năng. Theo đại diện Bộ KH&ĐT, để các tỉnh, thành phố trong vùng có thể phát huy tiềm năng, phát triển bền vững và trở thành động lực phát triển cho vùng và cả nước, đòi hỏi các địa phương này cũng phải có nguồn lực phát triển đầy đủ.

Theo đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù để vùng có thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số địa phương trong vùng có vai trò đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước; cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương bảo đảm tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng địa phương trong vùng đối với ngân sách trung ương, tạo động lực và nguồn lực cho các địa phương của vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Ngoài ra, để tăng chi ngân sách địa phương, cần cho phép thí điểm áp dụng một số cơ chế thu phí đặc thù liên quan đến dịch vụ và thương mại ở một số đô thị dân số lớn, thu nhập đầu người cao.

Đồng thời ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của vùng; nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển trong vùng, ưu tiên cho các dự án lớn mang tính chất kết nối vùng, đồng thời phát huy vai trò các quỹ đầu tư phát triển địa phương của các tỉnh, thành phố trong vùng.

Bộ KH&ĐT cùng đề xuất xây dựng danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn từ các doanh nghiệp (DN) có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công tư (PPP). Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hình thức đầu tư PPP; nghiên cứu có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những dự án đặc biệt quan trọng…

Thanh Thanh