Sẽ sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội
Tin tức - Ngày đăng : 16:10, 25/07/2022
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Dự Tọa đàm có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập, đại diện một số Đoàn Đại biểu Quốc hội cùng một số ban, ngành hữu quan.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Ban soạn thảo cho biết, thực hiện Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ngày 24/6/2021 của Đảng Đoàn Quốc hội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẩn trương chỉ đạo việc tiến hành tổng kết, đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong việc thi hành các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015, đồng thời thành lập Ban soạn thảo xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Trưởng Ban soạn thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, ngay sau khi được thành lập, Ban soạn thảo đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, trong đó đề xuất 24 vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Nội quy, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo đã gửi xin ý kiến các số Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 5 vừa qua. Dự kiến nội dung này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.
Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về các nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết như: tên gọi của văn bản; quy định thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội; việc bổ sung quy định không trình bày tờ trình, báo cáo tại một số phiên toàn thể nhằm tiết kiệm thời gian kỳ họp, đại biểu Quốc hội có thêm thời gian phát biểu, tranh luận; biểu quyết hỗn hợp; quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội; xung đột pháp luật giữa các văn bản quy phạm pháp luật…
Đi vào các nội dung cụ thể, đối với tên gọi của văn bản, một số đại biểu cho rằng, nên gọi là luật về trình tự, thủ tục tiến hành Kỳ họp Quốc hội thay vì Nội quy kỳ họp vì tên gọi Nội quy có giá trị pháp lý thấp.
Theo đó, nội quy là quy định nội bộ để bảo đảm trật tự, kỷ cương, mọi người tham gia một tổ chức, cơ quan phải tuân thủ đúng quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của mình, còn trình tự, thủ tục ở văn bản khác.
Nội quy Kỳ họp Quốc hội là các quy định có tính nội bộ của Quốc hội. Cách viết trong dự thảo trên cơ sở chỉnh sửa từ bản Nội quy cũ, mang nặng tính quy chế, gần giống như Luật về trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động của Quốc hội, hoặc Quy chế làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp chứ không phải là nội quy.
Theo kinh nghiệm hoạt động nghị viện các nước, Nghị viện các nước thường có luật riêng về hoạt động của Quốc hội (gọi là Nội quy nghị viện hay Luật về nghị viện), đó là luật nội bộ với vai trò rất quan trọng, chủ yếu quy định về trình tự, thủ tục làm việc của nghị viện.
Tham gia thảo luận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho rằng, cách sắp xếp chức danh trong dự thảo Nghị quyết cần bám sát Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tránh việc sắp xếp không đúng thứ tự, không nhất quán. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng cần quy định rõ ràng, chi tiết về yêu cầu trang phục của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường; quy định rõ các cơ quan truyền hình trực tiếp Lễ khai mạc, Lễ bế mạc và các phiên họp quan trọng.
Cho ý kiến về quy định thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị sửa quy định thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội là chậm nhất là 15 ngày trước khi khai mạc đối với kỳ họp thường lệ chậm nhất là 5 ngày trước khi khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường, trừ trường hợp tài liệu đặc biệt theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thảo luận về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cùng một số đại biểu cho rằng cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là nguyên nhân từ quy trình chính sách để có biện pháp tổng thể khắc phục bất cập trong việc chậm gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội.
Đối với việc biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay tại khoản 3 Điều 19 của Dự thảo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh không thể tham dự trực tiếp tập trung tại Nhà Quốc hội mà phải họp trực tuyến tại trụ sở của Đoàn. Khi đó, phần mềm biểu quyết được cài đặt trên thiết bị di động của đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đó, tại phiên biểu quyết thông qua nội dung của kỳ họp, không thể tiến hành đồng nhất một hình thức biểu quyết đối với các vị đại biểu tại Nhà Quốc hội và đối với các đại biểu ở TP. Hồ Chí Minh.
Để bảo đảm tính pháp lý của hình thức biểu quyết này, một số đại biểu đề nghị nội quy hóa bằng cách quy định bổ sung hình thức biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, áp dụng hình thức này chỉ trong trường hợp bất khả kháng vì trên thực tế, việc áp dụng hình thức biểu quyết bằng giơ tay chỉ trong những trường hợp xác định vấn đề có sự đồng thuận cao. Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần biểu quyết thống nhất bằng hình thức biểu quyết điện tử để xác định chính xác số lượng tán thành, không tán thành, không biểu quyết.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các hình thức biểu quyết khác nhau và mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau sẽ khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội. Do đó, việc sử dụng hình thức hỗn hợp này chỉ nên áp dụng trong một số trường hợp bất khả kháng để bảo đảm quyền được biểu quyết của đại biểu Quốc hội.
Kết luận nội dung tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng Kỳ họp Quốc hội có tầm quan trọng then chốt đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng, tiến độ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14 tháng 8/2022.