Rủi ro suy thoái của Mỹ sẽ sâu hơn nếu Fed phải đơn độc chống chọi với lạm phát

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 11:40, 26/07/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các bước hành động để làm cho nền kinh tế Mỹ có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc, đặc biệt là từ năng lượng, có thể giảm bớt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào Ngân hàng Dự trữ Liên bang để kích thích tăng trưởng, dẫn đến việc thường xuyên cho rằng chính sách tiền tệ đã trở thành sự lựa chọn duy nhất có thể.

Giờ đây, lạm phát cao đang làm dấy lên lo ngại điều này đúng nhưng theo chiều ngược lại: rủi ro của Mỹ có nguy cơ phụ thuộc quá mức vào Fed trong việc giảm lạm phát bằng cách giảm nhu cầu thay vì để các nhà hoạch định chính sách khác làm việc để tăng khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ hoặc nhân công của nền kinh tế. 

Điều nguy hiểm là Fed sẽ tăng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, tạo ra một đợt suy thoái sâu hơn.

Lạm phát đã tăng cao bởi cả cung và cầu đang trong trạng thái hỗn loạn. Nhu cầu tăng lên sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại và chính phủ tích cực triển khai các gói kích thích kinh tế. Sau đó, xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng  thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tăng giá năng lượng và hàng hóa.

Nhà Trắng nói rằng chống lạm phát chủ yếu là trách nhiệm của Fed nhưng Fed sẽ hành động để đưa giá cả xuống nếu có thể. Chẳng hạn, Fed đã kêu gọi cho phép Medicare thương lượng giá thuốc theo toa. Một dự luật riêng biệt trước Quốc hội sẽ thúc đẩy sản xuất bộ vi xử lý trong nước.

Trong khi đó, các quan chức Fed đã chỉ ra rằng nếu buộc phải lựa chọn giữa việc hạ thấp lạm phát hoặc ngăn chặn suy thoái, họ sẽ chọn phương án đầu tiên. 

Các quan chức Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất vào ngày 26/7 tới thêm 0,75 điểm phần trăm, điều này sẽ đưa lãi suất chuẩn  lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.

Việc tăng lãi suất làm nền kinh tế giảm tốc và hạ nhiệt lạm phát bằng cách giảm giá tài sản và tăng chi phí đi vay, làm giảm đầu tư, thuê mướn và chi tiêu. Lãi suất cao hơn không thể giải quyết các nút thắt của chuỗi cung ứng hoặc tăng sản lượng dầu hoặc công suất lọc dầu, và việc vay nợ đắt đỏ hơn có nguy cơ làm trầm trọng thêm một số hạn chế đó thông qua ngăn cản đầu tư mới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tháng trước cho biết, ông lo lắng các chính phủ đang phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. “Tập trung quá nhiều vào quản lý nhu cầu mà tập trung không đầy đủ, thích đáng vào những thứ sẽ tạo điều kiện phát triển ở mức bền vững tối đa,” ông nói.

Các bước để cải thiện phía cung của nền kinh tế dường như không có khả năng làm giảm lạm phát trong thời gian tới, nhưng chúng có thể giúp Fed trong những năm tới nếu nền kinh tế thay đổi theo hướng tạo ra nhiều áp lực lạm phát hơn, ví dụ, nếu tình trạng thiếu lao động vẫn tiếp diễn khi lực lượng lao động già hóa và nhập cư sụt giảm.

Các quan chức Fed, các nhà phân tích và những người ủng hộ chính sách đã đề xuất các phương án để giải quyết các vấn đề, với mỗi phương án đều mang đến sự đánh đổi.

Các chính sách thúc đẩy nhập cư hợp pháp hoặc sự tham gia của lực lượng lao động và làm cho Mỹ ít phụ thuộc hơn vào năng lượng nước ngoài là “tất cả các đòn bẩy sẽ hữu ích ngay bây giờ,” Chủ tịch Fed tại bang Richmond Tom Barkin  cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Một rủi ro lạm phát lớn là giá các sản phẩm xăng dầu có thể sẽ tiếp tục tăng. Trong khi giá hàng hóa đã giảm vào tháng trước trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà phân tích tại Goldman Sachs kỳ vọng giá hàng hóa sẽ tăng vào cuối năm nay do hàng tồn kho ở mức thấp kỷ lục và các nhà sản xuất có ít năng lực dự phòng.

Điều này có thể dẫn đến một chu kỳ trong đó giá cả tăng lên, khiến Fed phải tăng lãi suất nhiều hơn để cắt giảm nhu cầu, tạo ra sự suy thoái với việc đầu tư ít vốn hơn của các nhà sản xuất hàng hóa. Damien Courvalin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tại Goldman Sachs cho biết: “Sự suy thoái không bao giờ dẫn đến chi phí đầu tư mới cao hơn, điều đó có nghĩa là bạn đang tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung liên tục”.

Employ America, một nhóm nghiên cứu và vận động tập trung vào việc củng cố thị trường lao động, nói rằng chính phủ Mỹ nên sử dụng kho dự trữ hoán đổi dầu mỏ chiến lược để đặt một mức sàn dưới mức giá dầu thô của Mỹ và tài trợ riêng cho việc khoan các giếng mới. Điều đó sẽ giúp các nhà sản xuất Mỹ có thêm lý do để đầu tư mà không sợ suy thoái kinh tế hoặc chiến tranh giá giữa các quốc gia sản xuất dầu sẽ làm họ phá sản.

Skanda Amarnath, giám đốc điều hành của Employ America cho biết: “Nhà Trắng sẽ phải ứng xử với điều này giống như cuộc khủng hoảng nếu họ muốn tránh suy thoái kinh tế”.

Ông Courvalin cho biết các chương trình trợ cấp sản xuất năng lượng có thể bắt chước mô hình bảo hiểm cây trồng liên bang hiện hữu nhằm bảo vệ nông dân chống lại sự sụt giảm giá hàng hóa. Để giảm bớt lo ngại trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, các quan chức có thể kết hợp đầu tư đó với chi tiêu nhiều hơn cho phát triển năng lượng tái tạo.

Về phía chính sách quản lý, Philip Verleger, một nhà kinh tế năng lượng, trong nhiều năm đã cảnh báo rằng giá dầu diesel sẽ tăng sau khi một tiêu chuẩn quốc tế có hiệu lực cách đây hai năm để giảm hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu hàng hải. Ông nói: “Các nhà bảo vệ môi trường sẽ phản ứng, nhưng việc lùi lại quy tắc này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn ngay bây giờ” bằng cách giảm chi phí vận chuyển và nhiên liệu diesel.

Cuối cùng, theo các nhà kinh tế, chính sách tài khóa, ở mức tối thiểu, có thể tránh làm tăng thêm lạm phát. Một số tiểu bang đã ban hành hoặc đang xem xét các biện pháp giảm lạm phát hoặc hoàn thuế. Ông Cochrane tại Hoover Institution cho biết: “Việc cho tiền để mọi người trả giá xăng cao hơn sẽ không giúp ích được gì.

Sự tập trung mạnh hơn vào phía cung có thể vẫn không đủ để giảm lạm phát trong khi tránh suy thoái - cái gọi là “hạ cánh mềm”. Stephen Cecchetti, nhà kinh tế học tại Đại học Brandeis cho biết: “Bài học của những năm 1970 là Fed chịu trách nhiệm về lạm phát và Fed không thể nao núng”.

Nhưng việc hạ cánh có thể khó khăn hơn nếu Fed phải “tiêu diệt” nhiều nhu cầu hơn vì nền kinh tế không thể cung cấp nhân công, hàng hóa và dịch vụ dễ dàng như trước đại dịch.

(Nguồn: WSJ)

Hải Yến