Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:08, 29/07/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 29/7/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng World Bank (WB) và một số đơn vị tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) - Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực Ngân hàng Việt Nam.
ngan hang nha nuoc lay y kien gop y du thao luat phong chong rua tien
Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền là nhiệm vụ quan trọng

Sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết

Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) trong tổ chức liên chính phủ Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Kể từ khi tham gia Việt Nam đã có 2 lần đánh giá đa phương của APG vào năm 2008 và năm 2019, báo cáo đánh giá lần 2 được thông qua tại Hội nghị toàn thể của APG vào tháng 3/2022.

Hiện Việt Nam có 2/11 mục tiêu được đánh giá hiệu quả khá, 2/11 mục tiêu được đánh giá hiệu quả trung bình và 7/11 mục tiêu có hiệu quả thấp. Với kết quả đánh giá đa phương này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của APG và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt của FATF”, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN) cho biết.

Hơn nữa, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 được xây dựng trên cơ sở 40 khuyến nghị của FATF, từ đó đến nay, FATF đã 11 lần sửa đổi khuyến nghị, do đó, một số quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) 2012 không còn phù hợp với 40 khuyến nghị hiện hành của FATF, ảnh hưởng đến việc thực thi cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của FATF. Việt Nam có thời hạn là 01 năm để thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục thiếu hụt nêu trong Báo cáo đánh giá.

Nếu hết thời hạn này, Việt Nam không thực hiện các biện pháp khắc phục (trong đó, có việc ban hành Luật PCRT (sửa đổi)), Việt Nam sẽ bị xem xét đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế PCRT, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và công bố rộng rãi để các nước trên thế giới áp dụng biện pháp rà soát tăng cường đối với luồng vốn ra, vào Việt Nam.

Từ các lý do trên, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế khẳng định, việc rà soát, đề xuất xây dựng Luật PCRT (sửa đổi) thay thế Luật PCRT năm 2012 là hết sức cần thiết.

ngan hang nha nuoc lay y kien gop y du thao luat phong chong rua tien
Toàn cảnh Tọa đàm (Ảnh: Mạnh Thắng)

Nhiều ý kiến đóng góp từ các bên

Đóng góp ý kiến trong thực hiện trách nhiệm báo cáo về PCRT của tổ chức tín dụng, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị, NHNN xem xét lại thời gian báo cáo để phù hợp với mục tiêu báo cáo và thông lệ khu vực; quy định định lượng cho từng dấu hiệu, bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế/tài trợ thương mại theo khuyến nghị của NHNN;

Có hướng dẫn hoặc điều chỉnh khái niệm giao dịch chuyển tiền điện tử và thuật ngữ “phương tiện điện tử”; xem xét với các giao dịch chuyển tiền/ nhận tiền mà đối tượng báo cáo là chính người chuyển/ nhận tiền; NHNN cần có văn bản hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể về việc gửi báo cáo DWT với các giao dịch chuyển tiền nội bộ…

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trong PCRT đối với nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cũng kiến nghị bổ sung đối tượng báo cáo (thuộc nhóm tổ chức tài chính) là tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ tài sản ảo tại Dự thảo Luật PCRT sửa đổi;

Đồng thời đề xuất Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng khuôn khổ pháp lý cụ thể hoặc hướng dẫn rõ bản chất pháp lý của tài sản ảo theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015 phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn Việt Nam; giao Bộ Tài chính xây dựng khuôn khổ pháp lý cấp phép, quản lý các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (như sàn giao dịch tài sản ảo, nhà cung cấp Ví tài sản ảo, nhà cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản ảo...).

Là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ với NHNN trong công tác PCRT, đại diện Bộ Công an đề xuất các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”, trước mắt tập trung ban hành văn bản thống nhất nhận diện, định nghĩa, phân loại các loại tài sản ảo để các cơ quan thực thi pháp luật vận dụng quy định hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và xử lý các hành vi gây nguy hại cho xã hội; đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, tập trung vào các loại tội.

Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, bà Đỗ Thị Khuê, Phó Giám đốc Ban Kiểm tra và Giám sát tuân thủ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, Dự thảo Luật PCRT cần bổ sung việc công bố thông tin công khai về chủ sở hữu hưởng lợi đối với các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán; cho phép các ngân hàng được phép truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; bổ sung hướng dẫn về yêu cầu kiểm soát rủi ro đối với bên thứ ba khi ngân hàng thương mại thực hiện nhận biết, xác minh, cập nhật thông tin qua bên thứ ba…

Tại Tọa đàm, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cũng giải đáp các vướng mắc và lắng nghe các kiến nghị của các đại biểu về công tác PCRT.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Vũ Ngọc Lan khẳng định: NHNN sẽ lắng nghe và nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật cũng như các tài liệu khác của hồ sơ dự án Luật.

Hương Giang