Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp
Tin tức - Ngày đăng : 20:48, 01/08/2022
Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội; các ngân hàng, tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng…
Hình ảnh tại hội nghị |
Tạo sự chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển, phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống của công nhân lao động, người thu nhập thấp |
Thủ tướng chia sẻ, một trong những trăn trở lớn của Đảng, Nhà nước là chăm lo đời sống của công nhân lao động, người thu nhập thấp và đã có rất nhiều chương trình cho các đối tượng này, trong đó có chăm lo về nhà ở cho người dân. Đây cũng là yêu cầu đáp ứng các quyền của mỗi công dân, gồm quyền có công ăn, việc làm, có chỗ ở, được mưu cầu hạnh phúc... Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, theo đó, pháp luật về nhà ở hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đây là một kết quả đáng kể. Một số địa phương, doanh nghiệp làm tốt vấn đề chăm lo nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách, cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.
Nhấn mạnh đây là hội nghị hết sức ý nghĩa nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng khẳng định: "Trong thời gian ngắn, động lực nào để chúng ta tạo ra sự đột phá trong bối cảnh nhu cầu rất cao của một nền kinh tế đang phát triển nhanh. Trong đó có việc bảo đảm cân đối lớn về lao động, bao gồm vấn đề nhà ở cho người lao động. Tôi mong muốn sau Hội nghị sẽ có chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp". Đồng thời, Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cùng thảo luận tại Hội nghị, nhận diện những kết quả, nhất là hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, các chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách đã được cải thiện nhà ở.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bộ Xây dựng đề xuất một số nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ); tiếp tục khởi công các dự án mới; đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề cập đến một số tồn tại, khó khăn và nêu ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian tới, trong đó, Bộ trưởng cũng đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp cần làm đối với các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ Nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội (dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV). Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã cùng thảo luận về thực trạng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hiến kế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.
Ngành Ngân hàng luôn tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm qua, Ban lãnh đạo NHNN các thời kỳ rất quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tham gia các chương trình góp phần xây dựng nhà ở với người có thu nhập thấp.
Thống đốc NHNN khẳng định NHNN luôn quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tham gia các chương trình góp phần xây dựng nhà ở với người có thu nhập thấp |
Thống đốc đã chia sẻ về một số chương trình mà ngành Ngân hàng đã triển khai như, năm 2012, ngành Ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội gói 30.000 tỉ. Kết thúc vào năm 2016, doanh số cho vay đạt trên 29 nghìn tỉ đồng. Hiện nay, gói này cũng chỉ còn dư nợ khoảng 7.200 tỉ đồng. Đây là một chương trình rất thành công, giúp việc cải thiện nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Tiếp đó, ngành Ngân hàng đã triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó, giao trách nhiệm cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, đối với chủ đầu tư thì vay từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, ngân sách bố trí để cấp bù lãi suất cho Nghị định chưa bố trí được nên các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia chưa triển khai được, khi có ngân sách cấp bù thì tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cho vay từ nguồn huy động được từ người dân.
Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc cho vay nhà ở xã hội cũng là một trong những đối tượng được quan tâm, với các gói Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay. Trong Nghị quyết 11 có một nhiệm vụ giao NHNN chủ trì phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2022-2023 từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31, NHNN cũng đã ban hành Thông tư quy định rõ nhiệm vụ, chức năng các bộ, ngành, quy trình, thủ tục cho vay… Bày tỏ sự phấn khởi khi nghe thấy các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng đã đăng ký xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ngay tại Hội nghị ngày, Thống đốc cho hay, nếu tính sơ bộ, nguồn vốn có thể dao động khoảng từ 600 ngàn tỉ đồng đến 1 triệu tỉ đồng và thực hiện trong 10 năm. Để hỗ trợ cho nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp thì vấn đề vốn và lãi suất rất quan trọng. Về vốn, các tổ chức tín dụng có thể huy động từ người dân để cho vay. Về lãi suất, hiện nay, Nghị định 31 có hỗ trợ lãi suất 2% để triển khai trong năm 2022 – 2023, nếu các dự án có thể triển khai được thì có thể tận dụng gói hỗ trợ này.
Chia sẻ tại Hội nghị, Thống đốc cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng rất tích cực, trách nhiệm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch. Đến nay, phần giảm lãi cho vay, giảm phí là gần 50.000 tỉ đồng từ chính nguồn lực của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng rất trách nhiệm và chia sẻ với cộng đồng, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, tài trợ, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo thông qua các tỉnh, thành phố trên cả nước và Đảng ủy Khối cơ quan TW… Đồng thời, Thống đốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, phù hợp để hướng nguồn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực xây dựng nhà cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết việc thiết lập mô hình và phương thức thông qua chính sách xã hội để chăm lo cho người ngheo và đối tượng yếu thế là mô hình đặc biệt riêng có của Chính phủ nước ta. Chúng ta cho người nghèo, người yếu thế vay tạo việc làm, tạo sinh kế, trong đó có cả các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay để đi học.
Về cho vay doanh nghiệp trả lương, theo Nghị quyết 68, với chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, NHCSXH đã 36 lần rút vốn và cho vay 3.561 đợt doanh nghiệp để trả lương cho trên 1,2 triệu lao động nhằm ổn định việc làm. Chính phủ cũng đã dành gói an sinh 38.400 tỷ đồng, trong có 15.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, 9.000 tỷ đồng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 3.000 tỷ đồng cho các cháu để mua máy vi tính, 1.400 tỷ đồng cho cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học công lập vay vốn.
Về nhà ở, hiện nay có 185.741 người nghèo được vay để giải quyết nhu cầu về nhà ở, 29.953 hộ đang thụ hưởng chính sách nhà vượt lũ, 13.836 hộ vay chính sách nhà ở tránh bão khu vực miền Trung. Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân được 9.506 tỷ đồng cho 25.224 hộ. Về gói kích cầu, NHCSXH đã giải ngân 9.514 tỷ đồng cho 255.192 hộ vay vốn và đạt trên 50% kế hoạch. Trong đó, 6.980 tỷ đồng cho vay việc làm và 1.669 cho vay nhà ở xã hội với 5.861 hộ đang vay và 669 tỷ đồng cho các cháu đang vay mua máy tính, đã mua 70.643 máy tính.
Thời gian qua, các bộ, ngành hết sức tích cực trong việc tạo lập chính sách và điều kiện vay vốn. Riêng các tỉnh cũng hết sức quyết liệt, đặc biệt trong việc tăng vốn uỷ thác sang NHCSXH. Đến nay, tổng uỷ thác của các địa phương là 28.500 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là 6.300 tỷ đồng, TPHCM là 3.100 tỷ đồng, Bình Dương là 1.800 tỷ đồng, Đà Nẵng là 1.700 tỷ đồng, Vũng Tàu là 1.300 tỷ đồng, Đồng Nai là 900 tỷ đồng.
Phát huy sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng khẳng định cần phát huy sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Theo đó, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, nhà ở công nhân người thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương. Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của những người làm quản lý nhà nước, quản lý xã hội, của doanh nghiệp, người dân...
Bên cạnh đó, nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường đồng thời có chính sách hỗ trợ nhằm góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, tôn trọng quy luật thị trường nhưng có can thiệp, bảo hộ của nhà nước.
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, nhà ở, phù hợp với chương trình kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn tại từng địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đồng hộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt và phải có trọng tâm trọng điểm. “Nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn là một nhiệm vụ chính trị, trong đó có chính quyền địa phương, cấp ủy, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp. Công việc này không phải chỉ của Đảng mà của hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp, phải huy động sức mạnh tổng hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này. Để xây dựng và triển khai đề án này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.
Tại Hội nghị, trên 1,2 triệu căn hộ đã được các tập đoàn, doanh nghiệp đăng ký xây dựng. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như:
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai Đề án sau được phê duyệt, các Bộ, ngành chức năng phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện đề án trình Chính phủ đúng thời hạn. Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện luật phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chống tiêu cực, tham nhũng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tổng hợp phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn và dài hạn thông qua NHCSXH, các TCTD do hà nước chỉ định để thực hiện chính sách; chỉ đạo đôn đốc hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Bộ Tài chính nghiên cứu ,đề xuất sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với cho các trường hợp nhà ở ưu đãi thuế cho các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động của mình, hướng dẫn cụ thể miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; chủ trì, phối hợp với NHCSXH sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của NHCSXH để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Bộ Tài nguyên môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp; nghiên cứu chính sách ưu đãi không tín tiền sử dụng đất với dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong quá trình xây dựng Luật đất đai.
NHNN: chỉ đạo các NHTM được chỉ định quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định 31 mới ban hành, nghiên cứu có chính sách ưu đãi cho các ngân hàng tham gia vào việc cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, nghiên cứu, đề xuất cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà trọ...
NHCSXH tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở… theo chính sách tại Nghị quyết 11 của Chính phủ, đề xuất phát hành trái phiếu để phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Lao động thương binh và xã hội: đề xuất và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động và chỗ ở theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy định của pháp luật.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: chủ trì, phối hợp chặt chẽ các bộ ngành xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vấn đề y tế, giáo dục để hình thành trong các khu công nhân, nhà ở xã hội.
Các địa phương: Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của luật nhà ở, phù hợp chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở chấp thuận đầu tư cho các dự án của các doanh nghiệp, thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trục thuộc TW theo thẩm quyền phải quyết liệt hơn nữa để phát triển nhà ở xã hội, thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, quy mô lớn, đặc biệt là các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp căn cứ quy định của pháp luật về nhà ở, đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai các dự án nhà ở trên quỹ đất 20%, sớm lập, phê duyệt, công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Với các dư án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cần khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đã được hướng dẫn tại Thông tư 09 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2021. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra ktra giám sát xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, trong đó có việc bố trí quỹ đất tại các dự án, khu thương mại, khu đô thị.