Cổ phiếu ngân hàng cho tín hiệu triển vọng tích cực
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:25, 03/08/2022
Cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và tăng trưởng tín dụng
Các chuyên gia của SSI nhận định, bên cạnh áp lực lạm phát, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ là tâm điểm chú ý trong nửa cuối năm 2022, do mục tiêu điều hành của NHNN là sự cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và tăng trưởng tín dụng.
Nhóm chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, đưa lãi suất VND ở mức hợp lý so với lãi suất USD. Tiền đồng có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022.
“NHNN cũng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nửa cuối năm nay. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của năm 2022 có thể dao động trong khoảng 15 -16%, giảm tốc so với mức 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022”, SSI Research đánh giá.
Về mặt vĩ mô, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ vẫn hướng đến hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, các khoản vay tới các lĩnh vực rủi ro sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.
Trong nửa đầu năm 2022, NHNN cũng đã chọn cách tiếp cận thận trọng và giữ ổn định lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên, với việc áp lực lạm phát đang gia tăng, SSI dự báo: "NHNN có thể sẽ áp dụng các biện pháp linh hoạt để ổn định tỷ giá trước xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu".
Triển vọng tích cực trong ngắn hạn
Theo SSI Research, rủi ro từ nợ tái cơ cấu do COVID-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 dường như vẫn trong tầm kiểm soát. Tổng dư nợ các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 vào cuối tháng 4/2022 là 198.000 tỷ đồng (chiếm 1,8% tổng tín dụng, giảm 24% so với đầu năm). Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) thậm chí còn cho thấy dư nợ các khoản vay tái cơ cấu đã giảm với tốc độ nhanh hơn tốc độ chung của ngành, với mức giảm lần lượt là 62% và 31% so với đầu năm.
Khoản vay tái cơ cấu đang được cải thiện tại các ngân hàng. |
Mặt khác, SSI Research cũng lạc quan dự báo về tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng. NIM tăng lên và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải do các ngân hàng lớn trước đó đã trích lập dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 trong năm 2021. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành Ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.
“Theo ước tính, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023”, SSI Research lưu ý.
Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên, trong khi các khoản vay mua nhà có thời gian ân hạn 2020 - 2022 sẽ hết thời gian ưu đãi và có rủi ro trở thành nợ xấu vào năm 2023 khi các khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn (trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản bị thắt chặt).
Trên thị trường chứng khoán các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6% - 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Một số ngân hàng thậm chí đã có chỉ số P/B thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm. SSI Research cho rằng, sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần tăng lên cũng như một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu.
Định giá cổ phiếu ngân hàng hiện tại |
Với việc rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản có thể xuất hiện từ năm 2023, khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 là không quá lớn, đặc biệt là trong bối cảnh NHNN có thể cân nhắc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (khi điều kiện thị trường thuận lợi) và lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng trưởng. Đây là những động lực tích cực cho ngành trong ngắn hạn.
Nhóm chuyên gia đồng thời nhận thấy cơ hội đầu tư dài hạn vào ACB và VCB, những ngân hàng có hoạt động cho vay thận trọng và tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp ở mức tương đối thấp. Trong khi đó, MB Bank (MBB) và Sacombank (STB) có thể phù hợp với các cơ hội giao dịch ngắn hạn.