Phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu có trách nhiệm và hiệu quả
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 18:06, 03/08/2022
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thời gian qua, các ngân hàng đã ứng dụng mạnh mẽ eKYC (định danh khách hàng điện tử), AI (trí tuệ nhân tạo), dữ liệu lớn (Big Data) cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, không còn rào cản địa lý phải đến chi nhánh, phòng giao dịch…
Là một tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính cho hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế, ngành Ngân hàng không thể đứng ngoài xu thế ứng dụng dữ liệu lớn giống như các doanh nghiệp bán lẻ khác. Đặc thù của hoạt động ngân hàng với cơ sở khách hàng rộng lớn, bao quát mọi mặt tài chính của nền kinh tế cho phép mỗi ngân hàng xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ, từ dữ liệu có cấu trúc (như lịch sử giao dịch, hồ sơ khách hàng) tới những dữ liệu phi cấu trúc (như hoạt động của khách hàng trên website, ứng dụng mobile banking hay trên mạng xã hội).
Việc phân tích dữ liệu hiện tại đã đơn giản hóa quá trình theo dõi và đánh giá khách hàng tín dụng của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, dựa trên khối lượng lớn dữ liệu như thông tin, hồ sơ cá nhân và các thông tin bảo mật khác. Việc sử dụng các dịch vụ về dữ liệu của bên thứ 3 có thể không giúp tiết giảm chi phí, tiếp cận công nghệ hay kinh nghiệm chuyên sâu mà nhiều ngân hàng chưa có khả năng tự xây dựng hay duy trì nội bộ. Tuy nhiên, trong chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba, ngân hàng cũng phải đối mặt với rủi ro mất an toàn dữ liệu.
“Do đó, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với IFC tổ chức Hội thảo nhằm làm rõ thực trạng phát triển của thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu của Việt Nam; những thay đổi về khuôn khổ pháp luật và các quy định cần có để phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu; những khuyến nghị để phát triển hơn nữa ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu có trách nhiệm và hiệu quả” – ông Nguyễn Hoàng Minh nói.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng |
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Jinchang Lai, chuyên gia trưởng, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính châu Á và Thái Bình Dương, IFC cho biết, các bên cho vay thường sử dụng Báo cáo tín dụng được xây dựng dựa trên dữ liệu do các thành viên của trung tâm thông tin tín dụng để xem xét trước khi quyết định cho vay. Hiện nay, tại các thị trường phát triển, bên cho vay có thể sử dụng thêm dịch vụ và sản phẩm của bên thứ 3 là các công ty dữ liệu và phân tích dữ liệu. Các thông tin dữ liệu này nằm ngoài báo cáo tín dụng, bao gồm thông tin về nghề nghiệp và bằng cấp, thông tin để lại trên nền tảng số, mạng xã hội, thông tin hải quan, thuế, dữ liệu về thương mại điện tử, việc làm, thu nhập và sức khỏe…. Việc kết hợp dữ liệu tín dụng này vào hệ thống dữ liệu tín dụng truyền thống sẽ khiến dữ liệu trở nên có giá trị hơn cho các tổ chức cho vay.
Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Xuân Thảo, Giáo sư luật học hàm Pendleton Miller, Giám đốc Trung tâm Luật châu Á, Trường Luật, Đại học Washington, thống kê của Công ty WebFX cho thấy năm 2019, có hơn 4.000 công ty môi giới dữ liệu đang hoạt động trên thế giới. Các nhà môi giới dữ liệu thu thập thông tin chủ yếu từ các nguồn dữ liệu công khai như hồ sơ của tòa án, hồ sơ đăng ký xe cơ giới, dữ liệu điều tra dân số, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, thông tin đăng ký, hồ sơ phá sản doanh nghiệp…
Việc phân tích các dữ liệu này là quá trình nghiên cứu các tệp dữ liệu thô để tìm ra xu hướng, rút ra kết luận và xác định cơ hội cải tiến. Việc ứng dụng phân tích dữ liệu có thể giúp chúng ta ra quyết định chính xác hơn, thúc đẩy hiệu quả hoạt động marketing và quảng cáo cũng như các hoạt động khác của tổ chức. Cùng với đó, phân tích dữ liệu còn ứng dụng trong dự báo, tìm ra xu hướng và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, phân tích dữ liệu cũng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện gian lận, phục vụ công tác bảo mật và tuân thủ.
Trong lĩnh vực thanh toán, việc phân tích dữ liệu được ứng dụng trong phân tích rủi ro, phân khúc khách hàng, phát hiện gian lận, dự đoán giá trị lâu dài, giữ chân khách hàng, lập mô hình dự báo, quản lý dữ liệu khách hàng và thực hiện giao dịch bằng thuật toán.
Tuy nhiên, thị trường mới về phân tích dữ liệu cần phải có một khuôn khổ quản trị khác biệt, một khuôn khổ pháp lý toàn diện và chuyên biệt hoặc quy định tổng thể với phương pháp tiếp cận đúng đắn về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ông Jinchang Lai cho rằng khuôn khổ pháp lý này bao gồm nhiều yếu tố như cơ quan quản lý về dữ liệu cá nhân phải có đầy đủ năng lực thực thi nhằm đảm bảo các quy định được tuân thủ. Cùng với đó là cơ chế khiếu nại với chi phí thấp và hiệu quả, cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án cũng như ngoài Tòa án. Cùng với đó, cần hình thành các quy định, hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các bên tham gia thị trường có liên quan tới các dịch vụ tài chính quản lý ví dụ như mối quan hệ giữa các tổ chức tài chính với các công ty về dữ liệu và phân tích dữ liệu là bên thứ ba độc lập. Dữ liệu của các tổ chức công cần phải được công bố để các bên có thể dễ tiếp cận và sử dụng cho mục đích kinh doanh.