Thủ tướng nhấn mạnh các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới
Tin tức - Ngày đăng : 17:30, 03/08/2022
Đà phục hồi mạnh mẽ trên các lĩnh vực
Các báo cáo và ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ và tác động lớn đến trong nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, quyết liệt xử lý các công việc tồn đọng, kéo dài, nhất là các dự án yếu kém.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Ảnh: VGP. |
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 7 và 7 tháng tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới chủ yếu do các biến thể mới song trong nước, dịch bệnh cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên toàn quốc.
Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ, cơ bản ổn định so với cùng kỳ từ năm 2018 đến nay; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỉ giá duy trì hợp lý; tín dụng tăng 9,42% so với cuối năm 2021 và tăng 16,6% so với cùng kỳ; các cân đối lớn được bảo đảm (thu-chi; xuất-nhập khẩu; cung-cầu lao động, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1%.
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đã phục hồi, mở rộng sản xuất. Chỉ số IIP tháng 7 tăng 1,6% so tháng trước, tăng 11,2% so với cùng kỳ và 7 tháng tăng 8,8% (trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%); 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 7 tháng tăng. Như vậy, IIP tăng ở mức cao trong 6 tháng liên tiếp. Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 7 đạt 51,2 điểm (đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp đạt trên 50 điểm kể từ tháng 10/2021).
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Lĩnh vực thủy sản tăng trưởng tích cực, sản lượng 7 tháng tăng 2,4%.
Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 16%, đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng (so với cùng kỳ các năm 2018, 2019 tăng lần lượt 15%, 27,6%). Khách quốc tế 7 tháng đạt gần 1 triệu lượt (gấp 10 lần cùng kỳ). Xuất nhập khẩu 7 tháng đạt gần 432 tỷ USD (tăng 14,8%), xuất siêu 764 triệu USD.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tháng 7 đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ; 7 tháng đạt trên 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch, tăng 11,9% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt 11,57 tỷ USD tăng 10,2%, cao nhất từ 2018 đến nay; vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ.
Về chương trình phục hồi và phát triển, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành, cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn; nhiều nội dung lần đầu tiên triển khai nhưng đã được nhanh chóng xây dựng, đánh giá tác động và ban hành theo đúng quy định. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình đạt kết quả tốt, thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 7 là 15.500 doanh nghiệp, 7 tháng là 133,7 nghìn doanh nghiệp (gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 37,2% so cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tổ chức an toàn, hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đã hỗ trợ 728.500 lượt người sử dụng lao động và 50 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 82,1 nghìn tỷ đồng. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 81,6%.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh. Thông tin truyền thông được tăng cường; kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc hại...
Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được chỉ đạo giải quyết (như phương án xử lý các ngân hàng; nhóm 12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn...; dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Hồ thủy lợi Bản Mồng).
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam. Theo báo cáo mới đây, chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 các quốc gia trên bảng xếp hạng, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ - cơ chế điều hành, giám sát việc thực hiện Công ước 2003 - nhiệm kỳ 2022-2026 của UNESCO, với số phiếu cao.
Quan tâm hơn nữa tới an ninh, an toàn, an dân, an sinh xã hội
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải có những điểm sáng về giải ngân đầu tư công. Đây cũng là Bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất; quyết liệt triển khai thu phí không dừng; thúc đẩy phát triển đường sắt…
Thủ tướng cũng lưu ý một số công việc cụ thể như đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã dũng cảm hy sinh trong vụ cháy gần đây tại Hà Nội, đồng thời nhắc nhở các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo, đôn đốc về nội dung này.
Vừa qua, theo đề nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, các địa phương triển khai công việc này, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ giáo viên một cách phù hợp, khoa học, hiệu quả, sát thực tế, tránh lãng phí, tiêu cực.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ được chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên. Việc điều hành tế vĩ mô vừa qua rất quan tâm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, sát tình hình, kịp thời, phù hợp, như vấn đề giá cả, nguồn cung xăng dầu, thịt lợn…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế đã cơ bản giải quyết được một bước; sắp tới, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, trân trọng, gìn giữ sách để dùng lâu dài.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022 đã lập kỷ lục mới về các khoản hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; tới tháng 7, đã gia hạn các khoản thuế trị giá khoảng 43.000 tỷ, miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 46.000 tỷ, vượt qua số tiền gia hạn, miễn giảm trong các năm 2020 và năm 2021.
Tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản. Trong tháng 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 Nghị quyết; 07 văn bản quy phạm pháp luật (05 nghị định, 02 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng). Tính chung 7 tháng, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 06 Luật, 04 Nghị quyết ; ban hành 93 Nghị quyết; 66 văn bản quy phạm (49 Nghị định, 17 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng).
Thống nhất với các đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được, Thủ tướng nêu nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.
Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng...
Đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiệt hại do thiên tai tăng, tổng giá trị thiệt hại 5.624,5 tỷ đồng (gấp 7,3 lần cùng kỳ năm 2021).
Số ca mắc COVID-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.
Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có nguyên nhân, giải pháp phù hợp.