Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:46, 04/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi. Chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Ngày 4/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.

Tham dự sự kiện có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Về phía ngành Ngân hàng có: Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; Ban lãnh đạo NHNN; lãnh đạo và cán bộ các đơn vị Vụ, Cục NHNN, Chi nhánh NHNN; lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô; Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; cùng đại diện một số tổ chức quốc tế (GIZ, IMF, ADB, WB).

Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối trực tuyến tới 63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện

100% các nghiệp vụ thanh toán cơ bản đều được số hóa hoàn toàn

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành là xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được đề cập như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII.

Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.

Để triển khai định hướng, chỉ đạo và nhiệm vụ được giao một cách thống nhất, xuyên suốt, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng ban chỉ đạo, thành viên là thủ trưởng các đơn vị vụ/cục chức năng NHNN và Chủ tịch/Tổng Giám đốc một số TCTD, trung gian thanh toán.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc sự kiện

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc ban hành Quyết định 810 QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ngày 11/5/2021) có thể xem là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và thống nhất ý chí, hành động toàn ngành để tạo sức mạnh cộng hưởng to lớn giúp ngành Ngân hàng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, tiếp tục tiên phong trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam.

“Thời điểm tháng 5 cũng diễn ra 2 sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của ngành ngân hàng là: kỷ niệm Ngày thành lập ngành (ngày 6/5) và Ngày khoa học công nghệ (ngày 18/5). Bởi vậy, để ghi dấu ấn cho hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Ngày 11/5 được chọn là Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải.

Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các Bộ, ban ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn; Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng báo cáo tại sự kiện

Báo cáo về hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại sự kiện, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...

“Đến nay, nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; 100% các nghiệp vụ thanh toán cơ bản đều được số hóa hoàn toàn. Đặc biệt, nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc BIDV phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, đại diện BIDV, TPBank đã có những chia sẻ về kết quả triển khai chuyển đổi số tại ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, BIDV xác định rất rõ và có chiến lược chuyển đổi số cụ thể và bài bản. Chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột chính của BIDV trong giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030 với 8 nhóm giải pháp. Trong tất cả hành trình đó đều lựa chọn khách hàng làm trung tâm, vì vậy cần phải có sự thay đổi trong cách làm, cách nghĩ, thay đổi từ mô hình kinh doanh đến mô hình quản trị.

“Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà buộc phải chọn để định hình tương lai phát triển của tổ chức mình. Hành trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng không đơn giản mà ở một quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. BIDV luôn quyết tâm cao và tin tưởng sẽ thành công trong thực hiện chuyển đổi số. BIDV với vai trò là ngân hàng Nhà nước lớn cam kết luôn giữ được vai trò tiên phong trong đổi mới và thực thi các chính sách của Chính phủ”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao chia sẻ.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank phát biểu tại sự kiện

Còn với TPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, hệ sinh thái số hoàn thiện của ngân hàng đang cung cấp hơn 2.000 sản phẩm và dịch vụ; số lượng thanh toán của khách hàng vào tháng 6/2022 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 600.000 giao dịch/tháng (trên tổng số 12 triệu giao dịch qua kênh số, chiếm 95% toàn hàng). Đến nay, TPBank cũng đã hoàn thành sớm mục tiêu chuyển đổi số của NHNN trước thời hạn, ví như: tỷ trọng các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số đã đạt 80% (mục tiêu của NHNN đến năm 2025 là 50%); tỷ lệ giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số đạt 95% (mục tiêu của NHNN đến năm 2025 là 70%)…

“Qua đối chiếu, chúng tôi nhận thấy đang đi đúng hướng. Trên cơ sở quyết tâm của lãnh đạo cao nhất của ngân hàng về ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới số, chuyển đổi số kết hợp với số hoá toàn diện, xây dựng dữ liệu, đổi mới sáng tạo, chúng tôi đã từng bước triển khai và "nhúng" công nghệ mới vào các sản phẩm phẩm của ngân hàng, đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và phục vụ xã hội”, ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Số liệu từ Vụ Thanh toán, NHNN cho thấy, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) (tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey đánh giá, năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành Ngân hàng đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, vừa do áp lực phát triển, vừa do sự quan tâm của lãnh đạo ngành. Ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên có Ngày Chuyển đổi số của ngành, một lần nữa ngành Ngân hàng lại đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới để đổi mới ngành. Người đi đầu là người đi vào vùng 5%, khi mới có 5% người dùng đầu tiên chúng ta đã mạnh mẽ bước vào. Đó là người bản lĩnh, dấn thân.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Do đó, ngành Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh. “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với ngành Ngân hàng trong quá trình đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định và cho biết thêm: “Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, nếu việc gì khó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng có thể "đẩy" sang Bộ Thông tin và Truyền thông càng nhanh càng tốt”.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại sự kiện

Đại diện Bộ Công an phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, trong thời gian tới, việc đặt người dân làm trung tâm để phục vụ là rất trúng và đúng. Với nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Đề án 06, Bộ Công an sẵn sàng tiếp tục phối hợp với ngân hàng để làm sao tạo những bước đi thiết thực, đem lại lợi ích cho người dân, cho xã hội hiệu quả hơn.

Trước mắt, Bộ Công an sẽ cùng với ngân hàng làm một số công việc, đó là: xác thực làm sạch kho dữ liệu của ngân hàng có từ trước tới nay; xác thực sinh trắc học vân tay, mẫu mắt để đảm bảo độ tin cậy cao đối với khách hàng trong giao dịch; dùng tài khoản định danh điện tử để thay thế cho tài khoản tạo lập của khách hàng, giúp giảm tình trạng giả mạo.

“Ngành Ngân hàng cần tập trung phối hợp với Bộ Công an dựa trên nguyên tắc: Bảo đảm các văn bản pháp luật, đơn giản thủ tục; độ tin cậy, giải pháp bảo mật cao nhất; tạo niềm tin cho xã hội, doanh nghiệp và người dân khi ứng dụng tiện ích, hạn chế tối đa rủi ro trên môi trường điện tử”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị.

Để quá trình chuyển đối số ngành Ngân hàng diễn ra thành công

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi. Chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Thủ tướng đánh giá lãnh đạo NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia

NHNN cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Toàn cảnh sự kiện

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng nêu rõ, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử…; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp; sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế; tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; các nguồn lực, nhất là nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN và ngành Ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số; đánh giá kỹ tình hình, kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế; phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu: trước hết, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số. Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản luật của ngành: Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi… Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính…

Hai là, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính. Cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với Đề án 06, NHNN cần đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến ngành Ngân hàng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ba là, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Năm là, quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC), công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…

Với các kết quả đạt được, Thủ tướng tin tưởng NHNN và ngành Ngân hàng sẽ phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, nỗ lực triển khai vượt tiến độ tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ đưa vào các chương trình, kế hoạch hành động và đưa ra các giải pháp trong Ngành; chủ động phối hợp với bộ, ban, ngành để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng luôn lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm và được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.

Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu tham dự sự kiện tham quan Triển lãm trưng bày trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng

Sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động Ngân hàng.

Theo đó, có các sự kiện chính gồm: Công bố “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng và ra mắt Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng; trình diễn Demo công nghệ (mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC trên cơ sở kết nối M.O.C với CCCD gắn chip hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử…) với sự tham gia của các đơn vị tiêu biểu (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Nam A Bank, Napas…); Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy Chuyển đổi số ngân hàng” nhằm tổng kết các thành tựu về chuyển đối số, đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, với các tham luận của đại diện NHNN, các Bộ, ngành, NHTM…; Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng: hoạt động này có 13 gian hàng (của 4 đơn vị thuộc khối NHTMNN gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank; 8 đơn vị thuộc khối NHTMCP gồm: TPBank, Techcombank, VIB, MB, ACB, KienLongBank, NamABank; HDBank); 1 đơn vị thuộc khối công ty trung gian thanh toán là VNPay nhằm giới thiệu các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu, như: dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động STM, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...

Ngô Hải