Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao đóng góp của ngành Ngân hàng trong phát triển kinh tế - xã hội

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:40, 04/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhân dự sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng" do NHNN Việt Nam tổ chức, sáng ngày 4/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các ngân hàng thương mại. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của NHNN, các ngân hàng thương mại và toàn ngành ngân hàng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc

Cùng tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của NHNN, các ngân hàng thương mại và toàn ngành ngân hàng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Thủ tướng chúc mừng các ngân hàng thương mại tham dự cuộc làm việc đã kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh vừa qua, chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại gặp phải khi vừa chống dịch, vừa làm trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh.

Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các ngân hàng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 về vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức, với tình cảm, tinh thần nhân văn cao cả theo truyền thống, đạo lý "lá lành đùm lá rách", càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, đất nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, rất đáng trân trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển, chúng ta vẫn đang làm chủ được tình hình. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là rất lớn và nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, như áp lực lạm phát còn rất lớn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cương quyết chỉ đạo NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị NHNN cùng các ngân hàng thương mại góp phần cần thực hiện hiệu quả chủ trương nói trên, đồng thời gửi lời đề nghị, kêu gọi tới các ngân hàng thương mại tham gia cuộc làm việc, với 2 thông điệp chính được nhấn mạnh, cụ thể:

Thứ nhất, nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay.

Thứ hai, chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tín dụng phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Nhấn mạnh quan điểm "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ: “các ngân hàng hoạt động trong một hệ sinh thái chung của nền kinh tế; đất nước có ổn định, phát triển, nhân dân có hạnh phúc, ấm no thì các ngân hàng mới phát triển bền vững. Người dân và doanh nghiệp là một phần quan trọng hệ sinh thái của ngành ngân hàng”.

"Chúng ta  không thể sống một mình, đi một mình, người ta nói là muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Các ngân hàng tồn tại và phát triển được như ngày nay nhờ nỗ lực nội tại là chính, nhưng cũng nhờ đất nước ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển, thực hiện đường lối hội nhập và đối ngoại đúng đắn, phù hợp, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ngược lại, nếu nền kinh tế không ổn định, phát triển, đời sống người dân không được bảo đảm, thì các ngân hàng cũng không đang tâm, không yên tâm và khó có thể phát triển", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Đại diện các ngân hàng thương mại tham gia cuộc làm việc

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN xây dựng cơ chế, chính sách để các ngân hàng tự nguyện, tự giác tham gia, thực hiện những đề nghị và kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần phát huy đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và tình cảm với quê hương, đất nước, nhân dân, bảo đảm thực hiện một cách bài bản, thống nhất, hiệu quả, người dân, doanh nghiệp và đất nước được thụ hưởng, không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, lan tỏa tinh thần nhân văn cao cả tới toàn xã hội.

Tại cuộc gặp, đại diện các ngân hàng thương mại bày tỏ ủng hộ, nhất trí cao với các phát biểu của Thủ tướng và khẳng định sẽ nỗ lực, tích cực góp phần thực hiện các đề nghị này của Thủ tướng, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị để hệ thống ngân hàng hoạt động và phát triển vững mạnh, an toàn, ổn định.

Trước đó, trong sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng", thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, qua theo dõi thực tiễn và chỉ đạo công việc, Ban lãnh đạo NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã nhận thức rõ, triển khai quyết liệt chuyển đổi số trong toàn hệ thống, từ công tác quản lý nhà nước đến cung cấp dịch vụ ngân hàng. Toàn Ngành đã nỗ lực, chủ động thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng như: thanh toán không dùng tiền mặt tăng, tăng trưởng thanh toán qua di động đạt trên 90%; 1,77 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng trên kênh số (mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến...).

Đồng thời, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, tích hợp các thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ được giao, Thủ tướng cho rằng, ngành Ngân hàng cũng cần sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các bộ, ban, ngành có liên quan. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về định danh và xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, sớm kết nối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ngành Ngân hàng. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì sớm trình Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trong đó có vấn đề chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực điện tử phù hợp với thực tiễn. Các bộ, ngành liên quan chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ với các ngành, lĩnh vực khác, trong đó có ngành Ngân hàng để thiết lập hệ sinh thái số, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công, vượt tiến độ tiến trình chuyển đổi số trong toàn Ngành, góp phần hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

L.C