Tham vấn xây dựng Bộ chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 11:20, 05/08/2022
Cả khu vực công cũng cần phải đổi mới sáng tạo
Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn khung Chỉ số đo lường ĐMST trong khu vực công tại Việt Nam.
|
Chia sẻ về tổng quan ĐMST trong khu vực công và các cơ chế, chính sách của Việt Nam liên quan đến ĐMST trong khu vực này, ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc NIC cho rằng: ĐMST về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… để mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội.
Với ý nghĩa đó, ĐMST phải thoả mãn 2 đặc tính là mới và thực tiễn. Trong đó, mới ở đây cần biểu hiện mới so với thế giới, so với thị trường và so với doanh nghiệp. Còn tính thực tiễn là phải áp dụng vào cuộc sống, đưa sản phẩm ra thị trường và áp dụng quy trình mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Đối với khu vực công, ĐMST hướng đến kết quả công tốt hơn thông qua hiệu quả, hiệu suất và sự thoả mãn của người sử dụng
Ông Hoài lưu ý, ĐMST trong khu vực doanh nghiệp và ĐMST trong khu vực công lại có sự khác biệt. Cụ thể, khu vực công hoạt động theo logic chính trị và tiến hành các hoạt động được tài trợ từ ngân sách, nhằm tạo ra hàng hoá công được xác định về mặt chính trị hoặc phục vụ nhu cầu của công dân.
"Các động lực chính của ĐMST trong khu vực công là sự lan toả phi lợi nhuận của đổi mới, cộng tác, ra quyết định chính trị, sáng kiến của nhân viên và nhu cầu của người dân. Trong khi đó, đối với khu vực doanh nghiệp, ĐMST nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo lợi nhuận, nên tuân theo logic thị trường" - Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài thông tin thêm.
Với ý nghĩa và tác động đó, các chuyên gia cho rằng, việc ĐMST là cần thiết ở cả khu vực tư và khu vực công, trong đó với đối khu vực công, ĐMST sẽ tạo cơ hội để khu vực công dẫn dắt, định hướng khu vực tư phát triển và gia tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.
Bộ chỉ số nào cho Việt Nam?
Trên thực tế, để thúc đẩy ĐMST trong khu vực công, thời gian qua Việt Nam cũng ban hành một loạt các cơ chế, chính sách. Cụ thể như, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm ĐMST Quốc gia. Đặc biệt, gần đây nhất là Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 ban hành Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và ĐMST đến năm 2030…
Theo TS. Phạm Thị Thu Trang - Chuyên gia NIC, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có khung đo lường ĐMST cho khu vực công, trên cơ sở đó NIC gia phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng đề xuất khung khái niệm Bộ chỉ số đo lường ĐMST cho khu vực công tại Việt Nam (PII)
Đối tượng phục vụ của Bộ Chỉ số đo lường ĐMST cho khu vực công hướng tới là: Các cơ quan, bộ ngành địa phương, giúp tự đánh giá nâng cao năng lực ĐMST cho các cơ quan nhà nước trong các khu vực công cũng như là các cán bộ, nhân viên hiểu về ĐMST khu vực công.
Mục đích của Bộ chỉ số tập trung vào 4 vấn đề: Thứ nhất, cung cấp cái nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường ĐMST trong khu vực công; thứ hai, đo lường năng lực ĐMST tổ chức công lập trong khu vực công; thứ ba, giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các mức độ đổi mới và động lực khác nhau trong các bộ phận khác nhau của cơ quan, tổ chức trong khu vực công; thứ tư, làm căn cứ giúp cơ quan, tổ chức có giải pháp thúc đẩy ĐMST trong khu vực công.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng một bộ chỉ số sáng tạo nhằm thúc đẩy ĐMST trong khu vực công là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Theo ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn, đồng thời là chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ về hệ sinh thái, ĐMST trong khu vực công có vai trò quan trọng, tạo ra sự đột phá thúc đẩy khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện còn nhiều địa phương chưa thúc đẩy ĐMST, nên để xây dựng bộ chỉ số khả thi và phát huy hiệu quả thì cần có sự phát triển đồng đều giữa các địa phương, các ngành, có như vậy bộ chỉ số mới phát huy được hết giá trị trong quá trình thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho ĐMST của Việt Nam hiện vẫn được đánh giá hạn chế, vì vậy vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST cũng cần được quan tâm thông qua thúc đẩy gắn kết với các trường đại học, chuyên gia.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chuyên gia kinh tế về ĐMT và công nghệ, giảng viên Trường Quản trị kinh doanh và công nghệ FSB, Đại học FPT và Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc đưa ra bộ chỉ số này là rất tốt vì đã tổng hợp được kinh nghiệm của các nước để xây dựng cho Việt Nam. Tuy chuyên gia này tỏ ra nghi ngờ: “Chính phủ đang có những cam kết rất mạnh mẽ để chi ngân sách cho ĐMST, nhưng trên thực tế con số này rất thấp. Tại các địa phương thì khả năng đưa ra con số thống kê có chính xác hay không? Tôi rất sợ vấn đề về việc phóng đại chỉ số, câu trả lời có lợi cho cơ quan…”- ông Ngọc băn khoăn.
Theo đại diện UNDP, việc xây dựng bộ chỉ số là cần thiết và hoàn toàn khả thi mặc dù rất khó. Từ kinh nghiệm đã từng làm 2 bộ chỉ số cũng mang tính chất tương tự nhưng chỉ dừng lại ở doanh nghiệp, đại diện UNDP khẳng định khu vực công sẽ khác, đòi hỏi cần phải có sự đầu tư về thời gian và công sức để nghiên cứu…
Theo số liệu của NIC, ĐMST mang đến những tác động tích cực, như đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 91% đối với nền kinh tế xanh; 88% trong các công việc mới; 86% đối với quan hệ hợp tác; 87% với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội. Động lực của ĐMST mang lại đó là, 66% giá trị ĐMST sẽ tác động đến cuộc sống người dân; 65% trường học và viện nghiên cứu sẽ tham gia hoạt động ĐMST; 62% bằng độc quyền sáng chế sẽ thúc đẩy ĐMST… |