Tình hình triển khai đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc và một số gợi ý đối với Việt Nam
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:24, 06/08/2022
Tiền mã hóa (tiền kỹ thuật số) đã và đang được các quốc gia trên toàn thế giới ngày càng quan tâm trong bối cảnh môi trường công nghệ hiện đại và các thay đổi quan hệ thương mại trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một hình thức và chính sách sử dụng đồng tiền kỹ thuật số không giống nhau.
Bên cạnh những tiềm năng và triển vọng, đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng trung ương (NHTW) từ nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh báo những rủi ro trong việc sử dụng tiền mã hóa cũng như các sàn giao dịch tiền mã hóa.
Elsalvador - quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin là đồng tiền tư nhân được phép lưu thông song cũng đã phải chịu những bất ổn về tài chính tiền tệ quốc gia do đồng tiền này gây ra. Lý do các ngân hàng trung ương tỏ ra quan ngại sâu sắc đối với những đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Libra, JPM Coin, SBI Coin khi những đồng tiền này nếu được sử dụng trong trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ trong thanh toán chuyển tiền toàn cầu đủ lớn để tạo ra hệ thống ngân hàng ngầm thì sẽ đe dọa hệ thống thanh toán cả nội địa và cả thanh toán quốc tế của mọi quốc gia vì chúng có thể lấn át việc kiểm soát lượng tiền trong lưu thông của các NHTW. Do tính ẩn danh và sử dụng mã hóa, các đồng tiền kỹ thuật số này có thể chuyển đi bất kỳ đâu khiến cho việc kiểm soát tiền tệ ra/vào quốc gia trở nên rất khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá, kiểm soát rửa tiền, tham nhũng và tài trợ khủng bố.
Nhiều nhà phân tích trên thế giới nhận định 2022 là một năm quan trọng trên "mặt trận pháp lý" và sẽ chứng kiến sự phát triển của tiền điện tử nhưng phải do các NHTW các quốc gia phát hành và quản lý. Trong thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC - Central bank digital currency) đã không còn là khái niệm mới.
1. Quá trình phát triển đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc
Tại Trung Quốc, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, quốc gia này đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến và đang trở thành một xã hội không tiền mặt. Hơn 600 triệu người dân Trung Quốc đã sử dụng các công cụ Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent để thanh toán hầu hết các giao dịch mua sắm. Nhiều ngành và lĩnh vực trên khắp Trung Quốc cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ Blockchain để thanh toán hóa đơn.
Tiền mã hóa không chỉ đã và đang dần trở thành công cụ thanh toán phi tiền mặt tại Trung Quốc, mà còn là một loại tài sản mang tính hàng hóa trên thị trường dịch vụ thanh toán, thậm chí của thị trường mua bán tiền tệ kỹ thuật số của các chủ sở hữu các đồng tiền ảo, như Bitcoin, Ethereum, Binance Coin, Dogecoin. Các nhà sáng lập các đồng tiền kỹ thuật số và các tổ chức tài chính công nghệ lớn (Big Tech) đã tận dụng cơ hội đại dịch COVID-19 để phát triển các loại tài sản kỹ thuật số bằng cách tung ra các giải pháp công nghệ với nhiều dịch vụ tiện ích, mà mục tiêu hàng đầu là mở rộng mạng lưới khách hàng thanh toán qua hệ thống của họ nhưng không giải thích rõ ràng về nguyên lý chuyển đổi từ tiền thật sang tiền mã hóa trong quá trình thanh toán. Đây là vấn đề lớn, cần có sự can thiệp của an ninh kinh tế quốc gia. Các cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ tại Trung Quốc đang phải tăng cường pháp luật về quản lý các Big Tech, giám sát gắt gao các hoạt động thu thập dữ liệu của các tổ chức này. Vì vậy, vấn đề quản trị dữ liệu đã trở thành mối lo ngại rất lớn trong chính sách công của Trung Quốc. Đó là các chính sách quản trị các sàn giao dịch tiền ảo phải thực thi các quy định về chống rửa tiền và chống các loại tội phạm tài chính. Lo ngại này cũng bắt nguồn từ thực tế là, thị trường tiền mã hóa có khả năng dễ bị tổn hại qua thanh toán bởi tội phạm tài chính và hàng loạt hành vi tội phạm liên quan đến cả chính trị, văn hóa, ngoại giao...
NHTW Trung Quốc (PBoC) đã cấm các tổ chức tài chính sử dụng các giao dịch Bitcoin, không coi tiền mã hóa là đồng tiền pháp định. Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang phát triển đồng tiền điện tử quốc gia e-CNY là đồng tiền pháp định kỹ thuật số (CBDC) do Nhà nước phát hành và quản lý việc sử dụng đồng tiền này trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Từ năm 2014, Trung Quốc đã nghiên cứu đồng tiền e-CNY và thí điểm đưa ra thị trường từ tháng 4/2020 nhằm tăng cường sự hiện diện của đồng tiền số quốc gia ở mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với việc chính thức vận hành từ tháng 2/2022, hoạt động thanh toán bằng đồng e-CNY tại Trung Quốc cũng đang dần trở nên phổ biến ở các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Năm 2022 này, tổng giá trị các giao dịch bằng đồng e-CNY của Trung Quốc đã lên tới 83 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 12,33 tỷ USD) tính từ đầu năm đến cuối tháng 5 trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy việc sử dụng thí điểm đồng tiền kỹ thuật số của Nhà nước - eCNY. Chương trình thử nghiệm của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã được mở rộng đến 23 địa điểm ở 15 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc như ở Thâm Quyến, Tô Châu, Tây An hay Thành Đô… ngay từ cuối năm 2019. Nhiều thành phố của Trung Quốc đã tham gia chương trình thử nghiệm loại tiền tệ này sau những thành công từ các nơi thử nghiệm trước đó. Tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tiêu dùng phi tiền mặt, thúc đẩy nhu cầu trong nước và ổn định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. PBoC sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi của chương trình thí điểm, tăng cường xây dựng các kịch bản thí điểm ở trong nước. Chỉ khi nào CBDC được sử dụng rộng rãi trên thị trường trong nước với pháp luật minh bạch của quốc gia thì mới có thể phát triển được trong thanh toán quốc tế và hy vọng được các nước khác chấp nhận qua thanh toán quốc tế.
Như vậy có thể thấy, đồng e-CNY vẫn đang trong thời kỳ tiếp tục được mở rộng địa danh thí điểm nội địa. Tuy nhiên Trung Quốc có tham vọng phát triển mạnh đồng tiền điện tử quốc gia CBDC - e-CNY để cạnh tranh vai trò thanh toán quốc tế của đồng USD. Một khi đồng tiền kỹ thuật số quốc gia của Trung Quốc đủ sức tràn vào lĩnh thanh toán quốc tế vị thế tiền tệ cũng như vị thế quốc gia của Trung Quốc sẽ càng được củng cố.
2. Một số gợi ý chính sách
Theo thống kê, Việt Nam nằm trong số những quốc gia có số người đã sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hóa nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy, nhu cầu của thị trường đối với việc sở hữu, giao dịch tiền kỹ thuật số tại Việt Nam là khá cao.
Bên cạnh đó, với thế mạnh là dân số trẻ trong môi trường có độ phủ sóng Internet rất cao và sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh đang là những tiền đề thúc đẩy tiền điện tử phát triển trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, việc xây dựng khung pháp lý tiền ảo, tiền điện tử lần đầu được nhắc đến tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử vào tháng 8/2017. Tới tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023. Cũng trong thời gian đó, Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo tại Bộ Tài chính đã được thành lập để nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan. Từ đó cũng có thể thấy, mặc dù khởi động chậm hơn nhưng Việt Nam đã có những chủ trương, quyết tâm nhất định trong việc thúc đẩy ứng dụng blockchain và tiền ảo, tiền kỹ thuật số tại Việt Nam. Đây cũng chính là tiền đề cho việc nghiên cứu, xây dựng CBDC tại Việt Nam.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin truyền thông đang phủ sóng toàn cầu, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của tiền kỹ thuật số cũng đang phát triển mạnh. Vì vậy, để phù hợp với xu hướng phát triển tương lai, xin được đưa ra một số gợi ý sau:
Trước hết, cần xây dựng các cơ chế, hàng rào bảo vệ chủ quyền tiền tệ phù hợp thời đại công nghệ thông tin mà không vi phạm các cam kết quốc tế sao cho cơ chế này có thể chủ động nắm bắt, quản lý và kiểm tra, giám sát việc lưu thông CBDC của nước ngoài ra vào Việt Nam trong tương lai. Ví dụ, trong một số điều ước quốc tế, Việt Nam cần xây dựng cơ chế bảo lưu được các quyền có lợi, kể cả hạn chế hoặc không cam kết một số nội dung liên quan đến mục tiêu chính sách công để đảm bảo quyền chủ động phát triển thị trường dịch vụ tài chính trong nước.
Hai là, tiếp tục khuyến khích và ban hành cơ chế, chính sách nhằm thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) chính thống dễ tiếp cận qua hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Song song đó, cần nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia đảm bảo gia tăng chất lượng của kênh thanh toán điện tử, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại nhằm tăng mức độ tiện lợi, giảm chi phí sử dụng và rủi ro, đảm bảo an toàn về tài sản và thông tin của người sử dụng.
Ba là, nên xem xét việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý cấp Nhà nước để hoạch định chính sách và giám sát các hoạt động của tiền kỹ thuật số. Hoạt động mua bán, trao đổi và cung cấp các dịch vụ về tiền kỹ thuật số sẽ có mức độ rủi ro và ảnh hưởng lớn đến các chính sách tiền tệ quốc gia nếu như không được kiểm soát thích hợp và chặt chẽ các loại tiền phi Nhà nước đang lưu hành vừa với tư cách là tiền thanh toán, vừa với tư cách là hàng hóa trên thị trường tài chính rất rủi ro như Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã từng mắc phải. Trong ngắn hạn và trung hạn Việt Nam chưa có đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và pháp lý để phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia - CBDC VN hay e-VND, do đó Nhà nước cần ban hành sắc lệnh nghiêm cấm sử dụng, mua bán tiền mã hóa, tiền ảo phi Nhà nước của mọi quốc gia đang hoạt động trên thị trường tài chính hiện nay. Việt Nam nên thành lập và trao quyền cho một cơ quan chuyên trách cấp quốc gia để quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số, giống như Cơ quan FSA của Nhật Bản để đảm nhiệm việc nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý về phát hành, về cơ chế quản lý thị trường tiền kỹ thuật số quốc gia - eVND trong tương lai.
Bốn là, cần nghiên cứu nhằm sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung vào nội hàm pháp luật trong quản lý tiền tệ nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng, tham ô, tham nhũng, rửa tiền... bất hợp pháp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực vào/ra một lượng tiền với mục đích gửi/thanh toán/chuyển khoản hay cho vay bằng tiền mặt hay phi tiền mặt đều phải đi qua hệ thống quản trị dữ liệu quốc gia và các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động thanh toán, gồm Trung tâm quản trị dữ liệu của NHTW đặt tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CICB) và hệ thống các Ngân hàng, tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện giao dịch thanh toán điện tử. Theo đó, có thể bổ sung chức năng kiểm soát lượng tiền thanh toán cho CICB bên cạnh chức năng kiểm soát thông tin tín dụng tiền pháp định hiện hành... Việc sử dụng mọi nguồn tiền từ tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thanh toán hàng hóa, chuyển tiền tới bên thụ hưởng... đều phải đi qua đường nhận thông tin của tổ chức này trước khi tới bên thụ hưởng.
Năm là, mọi nguồn tiền vào TCTD của cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức đều phải có xuất xứ thu nhập (lương, tiền bán hàng, tiền từ NSNN, tiền bán ngoại tệ, nhận tiền khác...), ghi bằng số lượng tiền pháp định Việt Nam (VND), gồm tiền mặt và tiền chuyển khoản.
Sáu là, thực hiện nguyên tắc mang tính luật pháp: trên lãnh thổ của Việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam.
Bảy là, thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm ngặt các hành vi vi phạm Luật TCTD, Luật NHNN và thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.