VN-Index vượt thành công ngưỡng kháng cự 1.200 điểm, VNDIRECT khuyến nghị 6 mã nên giải ngân trong tháng 8

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:30, 07/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - VN-Index đã đảo chiều phục hồi, vượt ngưỡng kháng cự 1.200 điểm. Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8, VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.180 - 1.260 điểm, đồng thời thanh khoản thị trường vẫn sẽ còn ở mức thấp.

Đảo chiều

VN-Index đảo chiều phục hồi sau khi đóng cửa mức thấp nhất là 1.149,6 điểm trong phiên ngày 6/7, và chốt tháng 7 tại mức 1.206,3 điểm (tăng 0,7% so với đầu tháng, giảm19,5% so với đầu năm). VNDIECT cho rằng, sự hồi phục đáng khích lệ của thị trường trong hai tuần cuối tháng 7, được hỗ trợ bởi các yếu tố như nền kinh tế Việt Nam phục hồi 7,7% trong quý II, đây là tốc độ tăng trưởng GDP quý II cao nhất kể từ năm 2011; sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 7; niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát giá cả hàng hóa và lạm phát sau các động thái vừa qua của Chính phủ.

Diễn biến VN-Index 7 tháng đầu năm 2022.

Trong khi đó, HNX-Index tăng 3,9% so với đầu tháng, còn UPCOM-Index giảm nhẹ 2,1% so với đầu tháng. So với đầu năm 2022, HNX-Index và UPCOM-UPCOM-Index lần lượt giảm 39,1% và 23,1%.

Trong tháng 7/22, hầu hết các thị trường trong khu vực đều phục hồi sau khi giảm điểm mạnh trong tháng 7/22. Việt Nam (VN-Index, tăng 0,7%) cũng đi theo xu thế chung với mức tăng điểm nhẹ trong tháng 7, nhỉnh hơn đôi chút so với Indonesia (JCI Index, tăng 0,6% so với đầu tháng) và Thái Lan (SET Index, tăng 0,5% so với đầu tháng) nhưng thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác trong khu vực, bao gồm Phillipines (PCOMP, tăng 2,6% so với đầu tháng), Malaysia (FPMKLCI, tăng 3,3% so với đầu tháng) và Singapore (STI Index, tăng 3,5% so với đầu tháng).

Theo các chuyên gia của VNDIRECT, diễn biến yếu hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với nhiều thị trường trong khu vực là do hoạt động cho vay thắt chặt; giá thực phẩm tăng cao, đặc biệt là thịt lợn, gây áp lực lớn lên lạm phát. Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index trong nhóm có diễn biến kém tích cực nhất trong khu vực với mức giảm 19,5%.

Giá trị giao dịch bình quân của ba sàn giảm 24,1% so với tháng trước (giảm 45,7% so với cùng kỳ) xuống còn 13.444 tỷ đồng/phiên. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt gần 1,85 triệu tài khoản trong 7 tháng đầu năm 2022, cao hơn tổng 1,53 triệu tài khoản được mở trong năm 2021.

Tính đến ngày 29/7/2022, 778 công ty niêm yết, chiếm 45,1% tổng số cổ phiếu niêm yết và 55,9% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022. Tại thời điểm này, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết đã báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng dương lần lượt 9,4% và 16,9% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên 3 sàn tăng 26,0%. Do đó, VNDIRECT duy trì dự báo lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng trưởng lần lượt 23% và 19% trong năm 2022 và 2023.

Thị trường chờ đợi điều gì trong tháng 8?

Vào thời điểm hiện tại, tình hình bên ngoài đã có sự cải thiện, trong đó kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn song sự lạc quan được nhìn thấy ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện, bao gồm lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt; FED giảm cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ; Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại; Nghị định 153/2020/NĐ-CP sắp được ban hành nới lỏng một số yêu cầu liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp so với các dự thảo trước đó.

Mặt khác, rủi ro đối với thị trường bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến do giá lương thực tăng, đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái, lãi suất và đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Dựa trên những phân tích trên, VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index trong tháng 8 sẽ dao động trong biên độ 1.180 - 1.260 điểm. Thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục ở mức thấp. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro.

"Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-INDEX là vùng 1.220-1230 điểm. Ngưỡng kháng cự tiếp theo của VN-INDEX là vùng 1.250-1.260 điểm. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường quanh 1.180 điểm", nhóm chuyên gia lưu ý.

Ý tưởng đầu tư cho tháng 8

Các cổ phiếu được VNDIRECT ưa thích trong tháng này bao gồm BCG, DXG, KBC, PNJ, SZC và VTP. 

Nhóm chuyên gia đánh giá cao BCG cho cả ngắn hạn và dài hạn với tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế  hàng năm đạt 45,7% trong giai đoạn 2022 - 2024 do lượng tài sản bàn giao lớn từ các dự án gối đầu, cụ thể kỳ vọng BCG sẽ bàn giao các phần của dự án Hội An D'Or và Malibu Hội An trong năm 2022, mang lại doanh thu 4.897 tỷ đồng (55,4% tổng doanh thu), còn trong năm 2023 dự án bàn giao có thể ghi nhận doanh thu 5.233 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.

Quan điểm tích cực về DXG trong ngắn hạn và dài hạn dựa trên việc doanh nghiệp này dẫn đầu cả nước về thị trường môi giới với 33% thị phần trong năm 2021. Triển vọng mảng môi giới của DXG vẫn còn tươi sáng, trong khi quỹ đất tiềm năng tại TP.HCM, đặc biệt là Gem Riveside (ra mắt vào quý III/2022), sẽ đóng góp 9.155 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2024 - 2026...

KBC yêu thích trong cả ngắn hạn và dài hạn vì KBC giữ vị trí dẫn đầu trong số các nhà khai thác khu công nghiệp miền Bắc về thu hút vốn FDI với quỹ đất lớn. Ngoài ra, hơn 2.000 ha đất công nghiệp tại Long An, Hải Phòng, Hưng Yên,... có khả năng được bổ sung trong năm 2022 - 2024 sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng lợi nhuận dài hạn của KBC. 

Với PNJ, đây là doanh nghiệp đang thống lĩnh thị phần trang sức với thị phần thống kê là hơn 50% với lượng khách hàng dồi dào từ trung cấp đến cao cấp và ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm, PNJ tiếp tục tỏa sáng với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh 48% so với cùng kỳ, đạt 1.088 tỷ đồng. Về dài hạn, PNJ được kỳ vọng vào chiến lược phát triển các ý tưởng hấp dẫn hơn, chiến dịch quảng cáo hiệu quả hơn, hợp tác với các thương hiệu toàn cầu trở thành “cửa hàng đa thương hiệu” và tăng cường số hóa sẽ hỗ trợ lợi nhuận ròng của PNJ duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Cổ phiếu PNJ có thể được hưởng dòng tiền mạnh mẽ từ việc tăng NAV của Quỹ ETF VNDiamond với tỷ trọng trong ETF này đạt 15%.

Trong khi đó, SZC có vị trí tốt để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng về bất động sản khu công nghiệp ở miền Nam. SZC có quỹ đất khá lớn (hơn 600 ha) trong số các công ty khu công nghiệp niêm yết tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra,  hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở của SZC đã sẵn sang để đón đầu trong giai đoạn 2022 - 2024 với giai đoạn đầu là Sonadezi Hữu Phước (40,5 ha) bắt đầu mở bán từ tháng 7/2022.

Cuối cùng, VTP được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ kể từ 6 tháng cuối năm nhờ chiến lược mở rộng trong thời kỳ đại dịch đã cho kết quả khả quan với sản lượng giao hàng tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm và giá nhiên liệu có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gôpk của VTP. Bên cạnh đó, kế hoạch niêm yết trên HOSE cũng là chất xúc tác mạnh mẽ trong ngắn hạn của năm 2022.

Quỳnh Dương