Ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2

Văn hóa - Ngày đăng : 15:27, 08/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 8/8, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2.

 

Chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2 tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương, định hướng, mục tiêu truyền thông của NHNN, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các đề án của Chính phủ như phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2 sẽ phát sóng số đầu tiên vào 20 giờ 55 ngày 12/8 trên kênh VTV1. Chương trình tập trung nội dung liên quan đến hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 và Thông tư 03, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bợi dịch COVID-19, các hình thức thanh toán mới, ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, giảm thiểu tình trạng tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính. Về hình thức, chương trình sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thông qua các câu chuyện giản dị về con người và cuộc sống…

Mở đầu mỗi tập của mùa 2 sẽ dẫn dắt người xem vào nội dung câu chuyện bằng câu danh ngôn, thơ ca, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn ngay từ đầu. Bên cạnh chủ đề về tình cảm gia đình, tình yêu thương, chương trình sẽ có cả các câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ, thành ngữ có nội dung liên quan đến tiền. Các tuyến nhân vật trong chương trình mùa 2 sẽ được mở rộng hơn.

Theo bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Các chương trình truyền thông giáo dục tài chính phát trên VTV là những chương trình truyền hình được đông đảo tầng lớp công chúng đánh giá cao. Đặc biệt “Tiền khéo tiền khôn” là chương trình đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của khán giả xem truyền hình. Chương trình luôn đứng vị trí thứ nhất trong số những chương trình có rating (chỉ số người xem) cao những tháng đầu năm 2022 vừa qua. Cùng với đó, "Tay hòm chìa khóa" cũng được đánh giá là một trong những chương trình truyền hình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả nhất, chương trình có tính nhân văn sâu sắc, chứa đựng nhiều bài học cuộc sống có ý nghĩa.

Sau khi phát sóng nội dung về thông tin tín dụng trong chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 1, số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho thấy, lượng đăng ký tài khoản cá nhân mới trong tháng 8/2021 tăng 30% so với tháng trước. Số lượng khai thác báo cáo của CIC được cải thiện đáng kể (trung bình 1 ngày CIC ghi nhận lượt khai thác báo cáo tăng gần 30% so với trung bình của tuần trước đó). Số lượng đăng ký nhu cầu vay trên Cổng thông tin CIC trung bình 1 ngày tăng gần 28%. Số tài khoản được duyệt, số lượng khai thác báo cáo và số đăng ký nhu cầu vay (cá nhân) sau chương trình cũng đã tăng lên so với trước khi phát sóng…

Bên cạnh đó, sau khi phát sóng chương trình “Tay hòm chìa khóa” với nội dung về thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với các giải pháp đồng bộ khác của ngành ngân hàng, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Để tiếp tục thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt của người dân, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế tín dụng đen... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan báo chí thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính – ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó góp phần thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…

Bùi Trang