Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi

Tin tức - Ngày đăng : 15:55, 10/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.

Vừa trấn áp tội phạm tín dụng đen, vừa tạo thuận lợi để người dân tiếp cận vốn tín dụng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, sáng ngày 10/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Chất vấn và Trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung Phiên họp.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, Chính phủ đã ban hành 4 quyết định và 2 chỉ thị để thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các văn bản của Đảng, Quốc hội đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác phòng ngừa tội phạm ở một số địa phương còn để xảy ra một số vụ phạm tội có tính chất nghiêm trọng.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, trong đó tiếp tục xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.

Đối với việc xử lý tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm trên mạng, thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhưng tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp như triển khai thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng, tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm công nghệ cao; chỉ đạo Bộ Công an sớm hoàn thành việc soạn thảo trình Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên mạng; tăng cường tuyên truyền để các cơ quan và người dân nâng cao nhận thức, từ đó nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa hành vi lừa đảo, đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật theo quy định để ngăn chặn, loại bỏ các thông tin xấu cũng như ngăn chặn các hành vi đánh bạc; tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao tiềm lực để phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và tăng cường chia sẻ thông tin phối hợp điều tra, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực và trang bị phương tiện hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao năng lực phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Về phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các văn bản của Đảng, Quốc hội và lực lượng công an là nòng cốt để triển khai các công tác này.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai có hiệu quả các văn bản pháp lý của Đảng, Quốc hội đã ban hành; chỉ đạo, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, dễ tiếp cận để người dân biết, phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính; tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, trong đó các loại tội phạm về ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ tạo lập website để thực hiện các hành vi phạm tội; triển khai ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý số thuê bao, tài khoản ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội.

Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, góp phần hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.

Đồng thời, rà soát hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, nhất là công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy với các nước, nhất là các nước láng giềng; kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham gia trả lời chất vấn

Tham gia trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đồng bộ quy định pháp lý về việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn với các quy định rõ ràng về điều kiện vay vốn, khách hàng nêu rõ khoản vay và khả năng trả nợ, đồng thời thỏa thuận thời hạn trả nợ. Thực tế sẽ có trường hợp khách hàng không trả được nợ thì có thể yêu cầu gia hạn nợ, có đơn đề nghị và chứng minh khả năng trả nợ theo thời hạn mới. Để trả nợ, khách hàng có thể có nhiều nguồn khác nhau, có trường hợp khách hàng vay tín dụng đen thì tổ chức tín dụng khó có thể biết được nguồn trả nợ từ đâu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "hiện nay mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng rất đa dạng, cùng với đó là các công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô. Do đó, khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tiếp cận các kênh chính thức. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền về vay vốn, tiếp cận tín dụng để người dân có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức". 

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) về "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định 3 năm qua, lực lượng công an phối với các lực lượng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như thời gian trước đây. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua Internet.

Gần đây, ngành Công an triệt phá băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, với số tiền cho vay lên tới nghìn tỷ đồng. 

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhu cầu trong nhân dân rất lớn. Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự, nếu không làm tốt sẽ bỏ lọt tội phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng nêu các giải pháp trong thời gian tới, đó là tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", không được chủ quan chùng xuống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa. Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải không phải đi vay tín dụng đen.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp căn cơ hiện nay sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, giải quyết những vấn đề về tín chấp, thế chấp tài sản, theo đó các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác.

Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" bởi phần lớn các tổ chức "tín dụng đen" đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự. Vì vậy ngành Công an đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là giải pháp rất quan trọng đã thực hiện thành công và sẽ tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm; trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng.

Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay. Xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý. Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.

T.H