Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu và phát triển xanh và phát triển bền vững

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:58, 16/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đồng tổ chức Hội nghị "thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững”.

Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Hồng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; cùng hơn 250 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn/tổng công ty lớn, các ngân hàng trong nước và quốc tế.

 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hlướng tới phát triển xanh, bền vững. Trong bối cảnh này, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, ngay sau Hội nghị COP26 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành (trong đó có Ngân hàng Nhà nước) cùng với các chương trình, nhiệm vụ cụ thể, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng động quốc tế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan về huy động nguồn lực từ các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Nhóm công tác Ngân hàng, các Ngân hàng Quốc tế,…nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.

"Ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với một loạt những hoạt động, kết quả quan trọng như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng  thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh...", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng phát biểu

Về phía Nhóm Công tác Ngân hàng, bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng đánh giá, để đạt được các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, tài chính được đánh giá là yêu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi này. Sự hỗ trợ của chính phủ cần được củng cố bằng sự tham gia và các hành động thiết thực của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn tài chính từ khu vực công và tư nhân.

Để đạt được tăng trưởng xanh, bà Michele Wee cho rằng, đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp.

"Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường", bà Michele Wee nhấn mạnh và cho biết thêm: "Với định hướng và lộ trình của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày".

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và bà Michele Wee đều cho rằng, hội nghị này là cơ hội để các bên liên quan có thể trao đổi, chia sẻ và thu thập các nguồn thông tin quan trọng từ phía Chính phủ Việt Nam về định hướng, chính sách về phát triển xanh và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu cam kết tại COP26 cũng như lắng nghe chia sẻ, trao đổi về thực tiễn triển khai và những kiến nghị đề xuất từ các đối tác tiềm năng để thu hút các nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện một số mục tiêu tại COP26. Từ đó, NHNN và các Bộ, ngành liên quan có thể xem xét, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ các giải pháp phù hợp, thích nghi với tình hình và xu hướng mới.

 Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, các bên đã trình bày, tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề, nội dung quan trọng, có tính thời sự về sự cần thiết thu hút nguồn lực nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về phát triển xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các bên cũng cung cấp các thông tin về tình hình huy động nguồn lực cho Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như đã có những chia sẻ, trao đổi, làm rõ các vấn đề có liên quan. Các vấn đề nêu ra đều có tính thực tiễn, trong đó nhấn mạnh cần có những giải pháp cụ thể để có thể khai thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh, tạo cơ sở, niềm tin cho các tổ chức, đối tác quốc tế để huy động nguồn lực cho Việt Nam nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Thông qua các nội dung trình bày, tọa đàm, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về tình hình triển khai của Chính phủ, Bộ, ngành trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng xanh, tiến trình chuyển đổi năng lượng; các thuận lợi, vướng mắc về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý; nguồn lực hỗ trợ và khả năng huy động từ các tổ chức quốc tế cũng như các đề xuất, khuyến nghị cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp nhằm khai thông, thu hút và huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực. Đây cũng là các nội dung, nguồn thông tin quan trọng giúp cho Chính phủ, các Bộ, ngành nắm bắt, hiểu rõ hơn mong muốn của các bên, tổ chức cấp vốn, các quỹ, nhà đầu tư, đồng thời gợi mở cho các cơ quan quản lý trong nước có những nghiên cứu, xem xét để có tham mưu, đề xuất những thay đổi, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam thực hiện những cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tăng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế. Trong tiến trình này, sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà còn ở việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, vốn trực tiếp cho các chủ đầu tư dự án xanh, phát triển bền vững.

Với tín hiệu, thông điệp đưa ra trong Hội nghị từ các tổ chức quốc tế, các ngân hàng nước ngoài về nguồn lực hỗ trợ/tài trợ, NHNN tin tưởng rằng sẽ có dịch chuyển, thu hút dòng vốn, nguồn lực đầu tư mới chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới.  

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà và bà Michele Wee đều mong muốn rằng các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài tham dự Hội nghị này sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng, huy động các nguồn lực, vốn tín dụng cần thiết với chi phí hợp lý cho quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Ngô Hải