Thiếu kinh phí kiểm định “làm khó” lực lượng quản lý thị trường trong phân biệt thuốc thật - giả

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 14:24, 24/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công Thương cho biết, với mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) lực lượng QLTT không thể phân biệt thật - giả trong khi chi phí kiểm định là rất lớn và trên thị trường hiện có hàng có hàng trăm ngàn, hàng triệu loại thuốc và TPCN.

Nhập khẩu hàng giả từ nước ngoài

Thông tin tại Hội thảo “Thuốc giả, TPCN giả - Hiện trạng và giải pháp” do Liên đoàn Thương mại và Cồng nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 23/8, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra xử lý gần 1.600 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa thu giữ lên tới hơn 20 tỷ đồng, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới trên 14 tỷ đồng.

Toàn cảnh hội thảo

Trong đó, nhiều nhất là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (982 vụ với giá trị hàng hóa trên 13 tỷ đồng, số tiền xử phạt hơn 6,6 tỷ đồng); Tiếp đến là giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu (357 vụ, giá trị hàng hóa hơn 3,66 tỷ đồng, số tiền xử phạt gần 3,83 tỷ đồng); Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (142 vụ, giá trị hàng hóa vi phạm gần 1,48 tỷ đồng, số tiền xử phạt hơn 1,48 tỷ đồng); Giả về chất lượng, công dụng (50 vụ, giá trị hàng hóa vi phạm hơn 1,27 tỷ đồng, số tiền xử phạt gần 1,98 tỷ đồng); Tem, nhãn bao bì hàng hóa giả (24 vụ, giá trị hàng hóa vi phạm  gần 202 triệu đồng, số tiền xử phạt hơn 243 triệu đồng)

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, hàng giả tràn lan trên hầu hết các lĩnh vực, từ truyền thống cho đến kênh hiện đại như thương mại điện tử. Mặc dù không bóc tách số lượng các vụ vi phạm liên quan đến thuốc và TPCN, song lãnh đạo Tổng cục QLTT khẳng định, tình trạng này đang gia tăng, trong đó đáng ngại nhất là thuốc và TPCN bị làm giả không những làm ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn gây nguy hại đến sức khỏe toàn xã hội.Hệ lụy để lại cho scon người là không hề nhỏ.

Đề cập đến các phương thức thủ đoạn của các đối tượng sản xuất kinh doanh thuốc và TPCN giả, ông Nguyễn Đức Lê cho biết: “Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, quy mô làm giả đã mở rộng và tinh vi hơn rất nhiều. Trước đây, quy mô hàng giả nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất tạm bợ, chủ yếu sản xuất thủ công, có thể dùng công nghệ xoong nồi để sản xuất thì hiện nay rất nguy hiểm, khi các đối tượng sẵn sàng đặt sản xuất hàng giả từ nước ngoài, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Việc phát hiện rất khó, đơn vị có tờ khai nhập khẩu...”.

Mặt hàng duy nhất không mặc cả

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, lợi nhuận của ngành dược là rất lớn, đây là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả trong các sản phẩm thuốc và TPCN ngày càng gia tăng và chưa có hồi kết...

Điểm qua hàng loạt các vụ án trong ngành y tế trong thời gian qua, điển hình là vụ án của Việt Á và VN Pharmar cho thấy, tổng giá trị của những vụ gian lận này lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, có lẽ đây mặt hàng duy nhất người dân không mặc cả. “Không ai mua thuốc lại mặc cả, họ bảo bao nhiêu tiền là trả bấy nhiêu...”, ông Lê đúc rút từ kinh nghiệm bản thân.

Cùng với đó, ý thức người dân chưa cao, thường mua theo trào lưu hoặc tự mua không cần đơn, mua theo quảng cáo một cách dễ dàng nên khó phân biệt thật giả...

Với cơ quan chức năng, khó khăn đến từ việc giám định thuốc và TPCN giả cần kinh phí quá lớn. Hiện chi phí giám định mỗi chỉ tiêu đã mất mấy triệu, mỗi mẫu sản phẩm phải giám định từ 4 - 5 chỉ tiêu mất hơn 20 triệu mới đánh giá được. Trong khi trên thị trường có hàng trăm ngàn, hàng triệu loại thuốc, TPCN.

Bằng mắt thường khó có thể phân biệt được thuốc và TPCN thật hay giả

“Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, phải cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn Thuốc và TPCN giả trên thị trường....”-  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định.

Thực tế cho thấy, có những vụ việc mặc dù có được sự tham gia của ngành y tế, nhưng việc xác định thuốc giả như trong vụ án VN Pharma kéo dàng hàng năm trời mới có thể đưa ra kết luận, Tòa án mới có thể đưa ra được kết luận đó là sản phẩm làm giả về cả chất lượng lẫn nguồn gốc xuất xứ....

Chung tay chống hàng giả...

Cũng theo Lãnh đạo Tổng cục QLTT, vì khó nhận biết được thật và giả dẫn đến việc thực thi vai trò, chức năng nhiệm cụ của cơ quan QLTT bị hạn chế rất nhiều trên cương vị bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Chúng ta phải có giải pháp chống giả hữu hiệu, làm sao để việc nhận biết thuốc thật và giả một cách chính xác và dễ dàng nhất. Cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận được áp dụng một cách triệt để có thể hỗ trợ cho cơ quan QLTT dễ dàng hơn khi thực thi nhiệm vụ, hóa giải những khó khăn tồn đọng, đồng thời chúng tôi có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của của hồ sơ sản phẩm, tránh trường hợp bị cho là làm khó doanh nghiệp trong quá trình thực hiện...”, ông Lê đề nghị.

Cũng theo đại diện Tổng cục QLTT, việc khó nhận biết thật- giả đối với thuốc là nguyên nhân chính của các vụ án gian lận bị đẩy qua cho công an điều tra trong thời gian qua. “Để chung tay góp sức trong hoạt động chống thuốc giả và TPCN giả, chúng tôi cần có sự góp sức đầu tiên của các nhà sản xuất, tiếp theo là sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ban, ngành Y tế. Mục tiêu là nhận biết được thuốc và TPCN giả một cách nhanh nhất và chính xác nhất...”, ông Lê đề nghị.

 “Trường hợp người tiêu dùng phát hiện hoặc nghi ngờ có gian lận thương mại, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hãy phản ánh ngay bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường dây nóng cho các cơ quan có thẩm quyền để chúng tôi có thể kịp thời tiếp nhận, phát hiện và xử lý kịp thời...”, lãnh đạo Tổng cục QLTT kêu gọi sự chung tay của người dân.

Thanh Thanh