Thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 – 2025

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:14, 25/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 1449/QĐ-NHNN Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025.

Trụ sở NHNN

Thực hiện Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 và hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022, NHNN ban hành Kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua trong toàn ngành Ngân hàng.

Mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững; các nội dung, giải pháp theo Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện của ngành Ngân hàng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC&NLĐ); Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của CBCCVC&NLĐ ngành Ngân hàng đối với công tác giảm nghèo. Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, thu hút đông đảo CBCCVC&NLĐ ngành Ngân hàng tích cực tham gia phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Kế hoạch bao gồm các nội dung thi đua cụ thể sau:

Một là, thi đua thực hiện tốt các giải pháp của ngành Ngân hàng trong công tác giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Các Vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN tham mưu kịp thời cho Thống đốc NHNN ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng cho người nghèo; Phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan đề xuất, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025;

NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố tham mưu cho Thống đốc NHNN và chính quyền địa phương thực hiện chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng gắn với việc hỗ trợ giảm nghèo; hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025;

Các TCTD tập trung huy động nguồn vốn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp để tăng nguồn vốn cho vay, ưu tiên bố trí vốn cho vay phát triển sản xuất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảo nghèo bền vững.

Hai là, chủ động, tích cực huy động nguồn lực, có đóng góp thiết thực trong công tác giảm nghèo và hỗ trơ, giúp đỡ người nghèo, địa bàn nghèo nhất là khu vực miền núi, nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn;

Ba là, CBCCVC&NLĐ trong ngành Ngân hàng đề cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều giải pháp, sáng kiến trong xây dựng, tham mưu ban hành cơ chế chính sách, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua giúp cho người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Kế hoạch cũng nêu rõ, căn cứ vào nội dung thi đua và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, doanh nghiệp do NHNN quản lý, Tổng Thư ký các Hiệp hội do NHNN quản lý và Trưởng các Cụm, Khối thi đua tổ chức thực hiện phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực.

Công đoàn và Đoàn Thanh niên các cấp vận động CBCCVC&NLĐ ngành Ngân hàng phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia phong trào thi đua, gắn nội dung thi đua với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào hoạt động khác do Công đoàn, Đoàn Thanh niên triển khai. Tiếp tục phát động, vận động các đoàn viên ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” nhân tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm.

Cơ quan Báo, Tạp chí, Website và truyền thông các đơn vị trong ngành Ngân hàng căn cứ đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể để có các hình thức tuyên truyền phù hợp với nội dung phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tuyên truyền về cơ chế, chính sách và các chương trình tín dụng góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; mở các chuyên mục biểu dương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện phong trào thi đua để nhân rộng và tạo sức lan tỏa.

Vụ Thị đua – Khen thưởng có trách nhiệm tham mưu cho Thống đốc NHNN – Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Ngân hàng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai phong trào thi đua. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan tuyên truyền, báo chí tổ chức tuyên truyển, thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Ngô Hải