Tăng cường chính sách, chương trình tín dụng nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:45, 27/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thông qua phân tích hiệu quả sản xuất và các nhân tố tác động đến hiệu quả sản xuất cà phê của 189 hộ gia đình sản xuất cà phê từ bộ dữ liệu Khảo sát về mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) tại khu vực Tây Nguyên, kết quả cho thấy tiềm năng tăng lợi nhuận từ cây cà phê bằng cách tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng lên tới 67,3%, cao hơn so với việc không đi vay vốn.

Tóm tắt: Cà phê là một trong những loại cây công nghiệp lâu năm có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, kể từ sau chương trình vay vốn hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới với một hợp phần cho vay tái canh cà phê, sự quan tâm của cơ quan quản lý đối với lĩnh vực này dường như tương đối khiêm tốn. Thông qua phân tích hiệu quả sản xuất và các nhân tố tác động đến hiệu quả sản xuất cà phê của 189 hộ gia đình sản xuất cà phê từ bộ dữ liệu Khảo sát về mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) tại khu vực Tây Nguyên, kết quả cho thấy tiềm năng tăng lợi nhuận từ cây cà phê bằng cách tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng lên tới 67,3%, cao hơn so với việc không đi vay vốn. Kết hợp với hiện trạng tín dụng tái canh cây cà phê Tây Nguyên, nghiên cứu ủng hộ cho sự cần thiết phải tăng cường quan tâm hơn nữa của cơ quan quản lý đối với chính sách, chương trình tín dụng cho hoạt động sản xuất cà phê tại Tây Nguyên.

Emphasizing credit policies and programs to promote the efficiency of coffee production in the central highlands

Abstract: Coffee is one of the perennial industrial crops that plays a critical role in economic development in Vietnam, especially in the Central Highlands. However, since the World Bank program of supporting agricultural transformation with a loan component for coffee replanting has been implemented, authorities’ interest seems to be relatively little. Through the analysis of production efficiency and factors affecting  coffee production efficiency of 189 coffee producing households from the Vietnam Household Living Standards Survey (VHLSS) dataset in the Central Highlands, the results show that potential increasing profits from coffee by accessing bank loans is up to 67.3%, higher than production without bank loans. Combined with the current status of credit for coffee replanting in the Central Highlands, the study supports the need to further strengthen attention of authorities in credit policies and programs for coffee production in the Central Highlands.

1. Giới thiệu

Cà phê có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, sự kém hiệu quả và thiếu thay đổi công nghệ trong sản xuất thường hạn chế các nhà sản xuất cà phê nhỏ lẻ tự cung tự cấp sản xuất, trực tiếp gây ra sự trì trệ của ngành sản xuất cà phê ở các nước đang phát triển (Asfaw et al, 2012; Ghosh & Mandal, 2015). Tại Việt Nam, cà phê là một trong những cây công nghiệp lâu năm mang lại lợi ích cao về mặt kinh tế. Diện tích gieo trồng cà phê trên cả nước lên tới 644.000 ha, trong đó chủ yếu được trồng tại khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng. Với sản lượng xuất khẩu đạt 1,57 triệu tấn (năm 2020), Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong những năm gần đây ở mức thấp. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê năm 2020 giảm 5,61% về số lượng và 4,22% về giá trị so với năm 2019. Cùng với khó khăn chung trong thương mại quốc tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, khó khăn nội tại của ngành cà phê Việt Nam như hiệu quả sản xuất cà phê và chất lượng cà phê thành phẩm thấp là yếu tố khiến việc xuất khẩu cà phê chưa đạt kỳ vọng.

Các lý thuyết kinh tế đã chỉ ra ba phương pháp để nâng cao sản lượng sản xuất nông nghiệp. Cách thứ nhất là mở rộng diện tích gieo trồng, cách thứ hai là vận dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra những giống cây trồng mới có khả năng chống chịu bệnh tật và cho sản lượng cao hơn, và cách thứ ba là cải thiện hiệu quả trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào để có thể đạt được mức sản lượng cao hơn với nguồn đất đai giới hạn và tại mức trình độ công nghệ hiện tại. Trong khi diện tích gieo trồng bị giới hạn bởi điều kiện tự nhiên, việc cải thiện năng suất thông qua đổi mới công nghệ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các công nghệ mới đòi hỏi trình độ kiến thức kỹ thuật và thời gian nhất định để có thể áp dụng. Tuy nhiên, rủi ro liên quan và chi phí cao là những cản trở chủ yếu trong việc áp dụng công nghệ, do đó, giải pháp tiềm năng cho việc tăng sản lượng sản xuất chủ yếu nằm ở việc tăng năng suất thông qua sử dụng hiệu quả nguồn lực. Đây cũng là hướng tập trung chủ yếu của nghiên cứu này.

Tập trung vào việc nghiên cứu hiệu quả sản xuất cà phê tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng) là khu vực trọng điểm trong cả nước về sản xuất cà phê, nghiên cứu này đã cho thấy vẫn còn “room” cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất tại khu vực này. Trong đó, tín dụng tư nhân đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện năng suất, gia tăng sản lượng thu hoạch cà phê, từ đó cải thiện kinh tế cho người dân khu vực Tây Nguyên, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế khu vực của Chính phủ. Trong những nội dung tiếp theo, nghiên cứu lần lượt trình bày phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu trước khi cung cấp hàm ý chính sách và kết luận.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp ước lượng

Nhằm tìm ra các nhân tố tác động đến hiệu quả sản xuất cà phê, trong đó nhấn mạnh vào vai trò của nguồn vốn tín dụng, kỹ thuật ước lượng phân tích ngẫu nhiên (Stochastic Frontier Method-SFM) được áp dụng trên mô hình hàm lợi nhuận của Battese và Coelli (1995) và Rahman (2003). Mô hình nghiên cứu cụ thể như sau:

lnπi = β0+β1 lnKi+β2lnPi+β3 lnSi+ ϑi-μi

Và: μi= δo+ ∑dδd Wdi+ρ

Trong đó,

- lnπi là giá trị logarit tự nhiên của lợi nhuận thu được từ sản xuất cà phê, được tính bằng tổng trị giá thu hoạch cà phê trừ tổng chi phí sản xuất cà phê, và được chuẩn hóa bằng giá bán cà phê theo từng hộ;

- lnKi là giá trị logarit tự nhiên của giá nhân công sản xuất, tính theo mức lương cơ sở và được chuẩn hóa theo giá bán cà phê;

- lnPi là giá trị logarit tự nhiên của giá phân bón hóa học bình quân theo từng hộ gia đình, tính bằng tổng chi phí phân bón hóa học chia cho số lượng phân bón hoá học và được chuẩn hóa theo giá bán cà phê;

- lnSi là giá trị logarit tự nhiên của diện tích đất trồng cây cà phê theo từng hộ gia đình, là chi phí đầu vào cố định của hàm lợi nhuận;

- Wd là các nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cà phê của hộ gia đình, được gợi ý từ các nghiên cứu cùng chủ đề như Mulie (2014); Temesgen and Franklin (2017) bao gồm: diện tích sản xuất, biến giả về vay vốn ngân hàng, trình độ học vấn của chủ hộ, và tuổi của chủ hộ. Các biến số này được kỳ vọng sẽ ngược chiều với yếu tố kém hiệu quả;

- βi,δi là các tham số cần ước lượng trong mô hình;

- ϑi là sai số ngẫu nhiên hai bên,  là sai số một bên (one side haft normal) giải thích cho sự kém hiệu quả.

Bảng 1. Biến số trong mô hình

Nguồn: Tính toán từ phần mềm Stata

Việc đánh giá mức độ hiệu quả sản xuất của hộ gia đình là kết quả từ việc ước lượng hàm biên hiệu quả, phương pháp phân tích ngẫu nhiên (Stochastic Frontier Method-SFM) là phương pháp phổ biến nhất và được lựa chọn. Nguyên nhân của sự lựa chọn này là do bản chất biến động của quá trình sản xuất chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại lai như khí hậu khắc nghiệt, bệnh lý cây trồng và côn trùng gây hại. Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu sản xuất thường có mức độ chính xác không cao do người nông dân thường không hay cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, phương pháp phân tích ngẫu nhiên SFM có lợi thế trong việc cho phép việc thực hiện ước tính biên giới hạn với sự xuất hiện của sai số ngẫu nhiên, đồng thời cho phép tính toán mức độ hiệu quả sản xuất với từng phương án sản xuất.

2.2. Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu sản xuất cà phê theo hộ gia đình tại 5 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông và Buôn Ma Thuật. Số liệu được thu thập qua khảo sát mức sống dân cư VHLSS. Khảo sát mức sống dân cư VHLSS được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam 2 năm 1 lần, nhằm thu thập dữ liệu về các mặt của đời sống dân cư, như thu nhập, chi tiêu, việc làm, và giáo dục. Trong đó, một phần lớn trong bộ dữ liệu tập trung vào sản xuất nông nghiệp, bao gồm thu hoạch, chi phí, và phân bón…

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Mô tả dữ liệu

Bảng 1 trình bày thống kê mô tả sản xuất cà phê tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Bằng chứng cho thấy quy mô sản xuất cũng như lợi nhuận bình quân sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên là khá thấp. Bình quân mỗi năm, mỗi nông trại sản xuất khoảng 2.821 kg cà phê trên diện tích gieo trồng khoảng 10.200 m2, thu về lợi nhuận là gần 22 triệu  đồng/năm. Giá thu mua bình quân cà phê tại vườn là khoảng 36 nghìn đồng/kg. Chi phí lao động bình quân khoảng 37 triệu đồng/năm và có giao động tương đối lớn tùy thuộc vào diện tích gieo trồng. Tương tự, chi phí phân bón hóa học bình quân vào khoảng 37 triệu đồng/năm. Số lượng hộ vay vốn để sản xuất cà phê là khá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% số hộ được hỏi. Phần lớn chủ hộ có trình độ học vấn ở mức hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Cá biệt, một số chủ hộ trẻ tuổi có trình độ đại học. Tuổi trung bình của chủ hộ là khoảng 47 tuổi.

Bảng 2. Mô tả sản xuất cà phê Tây Nguyên

Nguồn: Tính toán từ phần mềm Stata

3.2. Kết quả ước lượng

3.2.1. Hiệu quả sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên

Nghiên cứu ước lượng hàm biên lợi nhuận của quá trình sản xuất cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Biến phụ thuộc trong mô hình là lợi nhuận đã được chuẩn hóa. Mục tiêu chủ yếu của việc ước lượng hàm biên lợi nhuận là nhằm trả lời cho câu hỏi liệu quá trình sản xuất cà phê tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên Việt Nam có hiệu quả hay không? Và nếu tồn tại sự thiếu hiệu quả, thì mỗi hộ sản xuất hoạt động cách đường biên hiệu quả bao xa?

Kết quả ước lượng trình bày ở Mục A của Bảng 2 và Bảng 4 cho thấy, hiệu quả lợi nhuận bình quân của sản xuất cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 0,327. Điều này hàm nghĩa rằng lợi nhuận sản xuất cà phê của các hộ gia đình có thể tăng lên khoảng 67,3% chỉ thông qua việc cải thiện hiệu quả kỹ thuật và phân phối của người nông dân, mà không cần tăng quy mô sản xuất hay nguyên liệu đầu vào. Các kết quả này là nhất quán với phát hiện của (Mulie 2014), khi tìm ra hiệu quả lợi nhuận sản xuất cà phê tại Sidama là 57%. Kết quả này cũng hàm ý rằng nhà sản xuất có thể đạt mức lợi nhuận tương đương với chỉ khoảng 67,3% chi phí. Ngoài ra, mức phân phối của hộ sản xuất cà phê về hiệu quả sản xuất cà phê cho thấy có khoảng trên 20% người sản xuất ở mức hiệu quả thấp dưới 0,1 và chỉ có khoảng dưới 5% người sản xuất có mức hiệu quả lớn hơn 0,8.

Bảng 3. Kết quả ước lượng

Nguồn: Tính toán từ phần mềm Stata

So sánh giữa nhóm đối tượng khác nhau cho thấy, những người có vốn vay có mức hiệu quả bình quân là 45,3%, tức là 41,5% hiệu quả hơn so với người không có vốn vay. Trong khi đó, chủ hộ có trình độ từ trung học phổ thông trở lên có mức hiệu quả đạt 43,9%, gần gấp đôi so với chủ hộ không có bằng cấp đạt được. Các kết quả cũng tiết lộ rằng những trang trại lớn với diện tích gieo trồng lớn hơn 20.000 m2 có khả năng sản xuất với hiệu quả cao hơn các trang trại có diện tích gieo trồng nhỏ.

Bảng 4. Hiệu quả lợi nhuận sản xuất cà phê khu vực Tây Nguyên
 

Nguồn: Tính toán từ phần mềm Stata

3.2.2. Các nhân tố tác động đến hiệu quả sản xuất cà phê

Kết quả đánh giá tác động của các nhân tố về vốn tín dụng, diện tích trồng trọt, và học vấn chủ hộ và tuổi chủ hộ đến hiệu quả sản xuất cà phê của các hộ sản xuất cà phê được trình bày tại Mục B. Bảng 2. Theo đó, các yếu tố về diện tích trồng trọt, tiếp cận vốn vay, học vấn chủ hộ đều có ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả sản xuất. Trong khi đó, nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy tuổi của chủ hộ có tác động tới hiệu quả sản xuất.

Trước hết, tham số ước tính liên quan tới diện tích trồng trọt có dấu âm và có ý nghĩa thống kê. Điều này cho thấy các hộ sản xuất có quy mô càng lớn thì hiệu quả sản xuất càng cao, đồng thời cũng phù hợp với lý thuyết về hiệu quả kinh tế theo quy mô. Diện tích trồng trọt tăng lên có thể dẫn tới việc sử dụng hiệu quả và hợp lý hơn các sản phẩm đầu vào, từ đó tăng được hiệu quả sản xuất.

Tiếp theo, mối quan hệ tiêu cực và có ý nghĩa thống kê giữa tính kém hiệu quả và tín dụng cũng được tiết lộ, cho thấy những nông dân được tiếp cận tín dụng có hiệu quả sản xuất cao hơn những người không được tiếp cận tín dụng. Kết quả ngụ ý rằng những người nông dân có khả năng tiếp cận tín dụng sẽ mua các đầu vào như nông cụ, hạt giống và cho phép họ thuê lao động bổ sung cho các hoạt động khác nhau. Trong khi đó, những người nông dân không có khả năng tiếp cận tín dụng sẽ không thể đầu tư nông cụ và thuê các yếu tố đầu vào biến đổi như lao động làm thuê, kết quả là họ có hiệu quả sản xuất kém hơn. Tiếp cận tín dụng được kỳ vọng sẽ giảm bớt hoặc khắc phục những hạn chế về tài chính, tăng cường khả năng mua lại các yếu tố đầu vào cần thiết, cải thiện doanh thu và sau đó là lợi nhuận.

Cuối cùng, ước tính từ hàm phi hiệu quả cho thấy hệ số âm và có ý nghĩa thống kê liên quan tới giáo dục của chủ hộ. Giống như kỳ vọng, giáo dục có đóng góp tích cực vào hiệu quả lợi nhuận. Điều này cũng ngụ ý rằng, trong một chừng mực nào đó, giáo dục nhiều hơn sẽ làm giảm tính kém hiệu quả (tăng hiệu quả) trong sản xuất cà phê. Kết quả này phù hợp với Theodora Shuwu (1998) về sản xuất lúa ở Uganda, Lockheed và cộng sự (1980), Ali & Byerlee (1991), Ali & Flinn (1989), Bravo-Ureta và Rieger (1991), Abdulai & Huffman (2000) cho hộ nông dân trồng lúa ở Ghana, và Wang và cộng sự (1996) cho nông hộ Trung Quốc. Vì vậy, việc cung cấp ít nhất là giáo dục trung học cho không chỉ nông dân trồng cà phê mà còn cả những nông dân khác nói chung sẽ là rất cần thiết để giảm thiểu tình trạng kém hiệu quả.

4. Hàm ý chính sách

Để đánh giá hiệu quả sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu này đã áp dụng phương pháp biên lợi nhuận. Phương pháp này cho phép kết hợp ba thành phần của hiệu quả, gồm hiệu quả kỹ thuật, kinh tế và quy mô, giúp đưa ra những kết quả đáng tin cậy hơn so với phương pháp biên sản xuất truyền thống. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ Khảo sát dân số VHLSS cho 189 hộ gia đình sản xuất cà phê tại 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng năm 2018. Kết quả cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong lợi nhuận do sự kém hiệu quả trong quá trình sản xuất cà phê. Phần lớn các hộ gia đình hoạt động ở mức thấp hơn 2/3 tiềm năng của họ. Phân tích cho thấy rằng sự kém hiệu quả này có quan hệ chặt chẽ đến đặc điểm của các hộ sản xuất. Cụ thể, tồn tại một sự khác biệt lớn trong mức lợi nhuận và hiệu quả giữa những hộ sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên. Trong đó, trình độ học vấn của chủ hộ, diện tích đất trồng, và việc tiếp cận vốn vay là những nhân tố ảnh hưởng chính.

Ngụ ý của nghiên cứu là các chính sách và chương trình nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế tại khu vực Tây Nguyên thông qua nâng cao năng suất nông nghiệp cần chú trọng vào các yếu tố ảnh hưởng đến mức hiệu quả này bên cạnh việc cung cấp các công nghệ nông nghiệp hiện đại. Một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao trình độ học vấn của người nông dân, tiếp tục mở rộng cả về số lượng lẫn loại hình của các chương trình khuyến nông nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức thị trường, kỹ năng sản xuất mới giúp giảm bớt chi phí sản xuất và nâng cao năng suất.

Ngoài ra, cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động cung cấp tín dụng cho những hộ gia đình sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên, từ đó giúp họ có thể tiếp cận được với nguyên liệu và các công nghệ sản xuất hiện đại. Kể từ năm 2015, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Đề án, các chương trình, hướng dẫn mở rộng cho vay cà phê, đặc biệt là cho vay tái canh trong điều kiện diện tích cây già cỗi ngày càng gia tăng. Nguồn vốn tín dụng cần cho vay tái canh cà phê là rất lớn, ước tính gấp 10 lần quy mô chương trình cho vay tái canh 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, gánh nặng cho vay đang đặt chủ yếu lên vai Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Quá trình cấp tín dụng tái canh cà phê đang gặp nhiều khó khăn cả về phía cung và phía cầu. Trong khi phía cung đến từ việc thủ tục vay vốn các hộ cần nằm trong danh sách phê duyệt của Ủy ban Nhân dân thì phía cầu lại đến từ bản thân các hộ đang quan sát thấy lợi nhuận từ cà phê đang giảm đi trước mắt do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như chi phí cơ hội của việc trồng cà phê đang gia tăng do lợi ích từ trồng hồ tiêu đang tăng mạnh. Chính vì điều này khiến cho sự hấp dẫn của việc trồng cà phê giảm. Do đó, tăng cường nguồn vốn cho vay cà phê thông qua mở rộng đối tượng cho vay như NHNN Việt Nam đã và đang kiến nghị hay điều chỉnh gói cho vay theo hướng linh hoạt hơn như cho phép diện tích đất trồng xen canh cà phê với cây khác được tiếp cận tín dụng thì không thể không đi kèm với quá trình gia tăng nhận thức và đào tạo các khách hàng. Để làm được điều này, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, chỉ đạo sát sao hơn nữa trong việc thúc đẩy tái canh cà phê tại khu vực mình quản lý theo hướng phát triển bền vững.

5. Kết luận

Cà phê là ngành đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam nói chung và kính tế khu vực Tây Nguyên nói riêng. Hoạt động sản xuất cà phê tại khu vực Tây Nguyên đang gặp phải nhiều thách thức đến từ cả nhân tố chủ quan và khách quan. Dựa vào bộ dữ liệu Khảo sát về mức sống dân cư năm 2018, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp lợi nhuận biên (SFM) để đánh giá hiệu quả sản xuất cà phê tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Kết quả được tìm thấy sự kém hiệu quả trong sản xuất đã cản trở lợi nhuận với mức hiệu quả bình quân đạt 32,7%. Các nhân tố tác động đến hiệu quả sản xuất điển hình có trình độ chủ hộ và diện tích canh tác. Điểm đặc biệt là tiềm năng tăng lợi nhuận từ cây cà phê lên tới 67,3% thông qua tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng. Kết hợp với những bất lợi trong hoạt động tái canh cà phê như thời gian thu hồi vốn dài và chi phí cơ hội gia tăng từ cây trồng khác, nghiên cứu ngụ ý các chính sách tín dụng vẫn cần được tiếp tục chú trọng nhưng song song với đó sự chỉ đạo của địa phương trong phối hợp các bên liên quan nhằm đồng hành cùng các hộ trồng cà phê là cần thiết.

Tài liệu tham khảo

- Abdulai, A., & Huffman, W. (1998). An Examination of Profit Inefficiency of Rice Farrmers in Northern Ghana. Economic Staff Paper Series. https://lib.dr.iastate.edu/econ_las_staffpapers/298

- Abdulai, A., & Huffman, W. (2000). Structural adjustment and economic efficiency of Rice Farmers in Northern Ghana. Economic Development and Cultural Change, 504-519.

- Aigner, D.J., & Chu, S.F. (1968). On estimating the industry production function. American Economic Review, 58, 826-839.

- Ali M., & Flinn J.C. (1989). Profit Efficiency among Basmati Rice Producers in Pakistan Punjab. Am. J. Agric. Econ. 71(2):303-310.

- Ali, M., & Byerlee, D. (1991). Economic efficiency of small farmers in a changing world: A survey of recent evidence. Journal of International Development. https://doi.org/10.1002/jid.4010030102

- Anastasiadis, S., & Chukova, S., 2016, An inertia model for the adoption of new farming practices, Internaltional Transactio In Operational Research, 1-19

- Asfaw S., Shiferaw B., Simtowe F., & Lipper L. (2012). Impact of modern agricultural technologies on smallholder welfare: Evidence from Tanzania and Ethiopia. Food Policy 37(3):283-295.

- Battese GE., Coelli TJ. (1995). A model for technical inefficiency effects in a stochastic frontier production function for panel data. Emp. Econ. 20(2):325-332.

- Bravo-Ureta, BE., & Rieger, L., (1991). Dairy Farm Efficiency Measurement Using Stochastic Frontiers Methodologies and Dairy Farm Efficiency. American Journal of Agriculture Economics. 73 No.2, 421-28

- Ghosh K., Mandal S. (2015). Nutritional evaluation of groundnut oil cake in formulated diets for rohu, Labeo rohita (Hamilton) fingerlings after solid state fermentation with a tannase producing yeast, Pichia kudriavzevii (GU939629) isolated from fish gut. Aquacult. Reports 2:82-90.

- Kumbhakar, S., Wang, H.J., & Homcastle, A. (2015). A Practitioner’s Guide to Stochastic Frontier Analysis Using Stata. Cambridge University Press

- Lockheed, M. E., Jamison, T., & Lau, L. J. (1980). Farmer education and farm efficiency: A survey. Economic Development and Cultural Change, 29(1), 37-76

- Meeusen, W., & Van den Broeck, J. (1977). Efficiency Estimation from Cobb-Douglas Production Functions with Composed Error. International Economic Review. 18(2). 435-44 

- Mulie, H., 2014, The Determinants of Profit Efficiency of Coffee Producing and Marketing Cooperatives (The Case Study of Sidama Coffee Farmers’ Union), Journal of Economics and Sustainable Development, Vol. 5 (7)

- Rahman, S., (2003). Profit efficiency among Bangladeshi rice farmers. Food Policy 28(5-6):487-503.

- Temesgen, B.F & Franklin, S., 2017, Profit Efficiency analysis among groundnut farmers from Malawi, Journal of Development and Agricultural Economics, Vol.9 (10)

- Theodora Shuwu (1998) Profit efficiency among rice producers in Eastern and Northern Uganda, http://makir.mak.ac.ug/handle/10570/863

- Wang J., Cramer GL., Wailes EJ. (1996). Production efficiency of Chinese agriculture: evidence from rural household survey data. Agric. Econ. 15(1):17-28.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 24 năm 2021

TS. Trần Huy Tùng - ThS. Trương Hoàng Diệp Hương