Nhận diện cơ hội và thách thức đối với ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh để phát triển Thành phố trở thành Trung tâm tài chính quốc tế

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:18, 28/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc nhận diện tốt các cơ hội và thách thức có ý nghĩa quan trọng cho công tác tham mưu đề xuất xây dựng chính sách; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngân hàng; công tác phát triển ngân hàng số. Đồng thời chủ động tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ NHTW và UBND Thành phố giao cho ngành ngân hàng trên địa bàn trong quá trình thực hiện đề án này.

Phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế, là một trong giải pháp lớn, quan trọng để thúc đẩy và phát triển kinh tế đất nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng, đồng thời cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra nhằm đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đến nay, UBND Thành phố đã hoàn tất việc nghiên cứu, xây dựng đề án “Phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế” cũng như hoàn thiện dự thảo đề án trình Chính phủ, trong đó đề xuất lựa chọn các mô hình phát triển phù hợp với Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia. Trong đề án này, nhiệm vụ của ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng Thành phố nói riêng gắn liền với vai trò thành phần của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong mô hình thị trường tài chính Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh.

Với ý nghĩa như vậy, ở góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng ngân hàng trên địa bàn, việc nhận diện những cơ hội và thách thức đối với ngành ngân hàng Thành phố là cần thiết, trên cơ sở đó chủ động tham gia tích cực vào quá trình phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế, với các nhiệm vụ chức năng có liên quan.

Những cơ hội

Khi thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước nói chung và kinh tế Thành phố nói riêng phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, mà còn góp phần quan trọng đối với sự phát triển của ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng Thành phố nói riêng, với những cơ hội  thuận lợi sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi để ngành ngân hàng thực hiện tốt vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, với tốc độ nhanh hơn, hiệu quả và bền vững hơn, nhất là đối với các chương trình lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển đô thị thông minh và phát triển kinh tế tri thức, tạo dư địa trong tăng trưởng và phát triển bền vững trong trung và dài hạn.

Thứ hai, phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, với những chính sách và những yếu tố thuận lợi được ưu tiên để tạo sự đột phá trong phát triển thị trường tài chính (như phát triển các tập đoàn tài chính đa ngành; phát triển ngân hàng số….). Qúa trình này, sẽ không chỉ tạo điều kiện phát triển đa dạng hơn các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng; dịch vụ tài chính mới mà còn tạo môi trường cạnh tranh mạnh mẽ  và là động lực thúc đẩy các định chế tài chính nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng tăng trưởng và phát triển, hình thành nên các thương hiệu ngân hàng mạnh, lớn và có uy tín trong khu vực và trên thế giới theo đúng định hướng chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ ba, tạo cơ hội đổi mới và phát triển ngành ngân hàng, đổi mới mô hình và phương thức quản lý phù hợp với xu hướng và yêu cầu khách quan về phát triển của ngành ngân hàng, đáp ứng những mục tiêu phát triển đặt ra cho trung tâm tài chính tại Thành phố.

Những thách thức

Bên cạnh những cơ hội mang lại như phân tích ở phần trên, cũng xuất hiện những thách thức cần quan tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng thành phố nói chung và công tác quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và ngân hàng trên địa bàn nói riêng. Đó là:

Thứ nhất, năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, trình độ quản lý, quản trị ngân hàng và trình độ công nghệ vẫn là những hạn chế nhất định của các tổ chức tín dụng trong nước đặt trong mối tương quan với các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó vai trò của hệ thống ngân hàng có vị trí quan trọng trong cấu phần của thị trường tài chính, của trung tâm tài chính quốc tế. Đây là thách thức cần quan tâm để tiếp tục có những giải pháp đổi mới, cải thiện thực chất và nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (phát triển công nghệ và nguồn nhân lực; nâng cao năng suất, hiệu quả  hoạt động; tăng mạnh nguồn thu dịch vụ…) để chủ động tham gia vào quá trình phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ hai, thách thức đối với công tác quản lý, với yêu cầu về tiếp tục đổi mới mô hình quản lý phù hợp với xu hướng phát triển và theo định hướng trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng, với mô hình NHTW khu vực để điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giám sát tài chính đảm bảo thị trường tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò là động lực tăng trưởng, song vẫn đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia.

Thứ ba, thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng ngân hàng trên địa bàn. Trong vai trò là cơ quan tham mưu; cơ quan thực thi chính sách và tổ chức triển khai thực hiện; vai trò thanh tra, giám sát; tiền tệ kho quỹ  và vai trò vận hành hệ thống thanh toán quốc gia tại địa bàn Thành phố, với việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế,  đòi hỏi phải tiếp tục chủ động và làm tốt nhiệm vụ địa phương của NHTW, với yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lĩnh vực ngân hàng; nâng cao hiệu quả hoạt động các  TCTD; phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại; công tác quản lý ngoại hối và thị trường tiền tệ với yêu cầu mới hơn, đột phá hơn về chính sách khi phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế (như tự do hóa tài chính; phát triển ngân hàng số 100%).

Trên đây là những cơ hội và thách thức đối với ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng thành phố nói riêng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Việc nhận diện tốt các cơ hội và thách thức có ý nghĩa quan trọng cho công tác tham mưu đề xuất xây dựng chính sách; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngân hàng; công tác phát triển ngân hàng số. Đồng thời chủ động tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ NHTW và UBND Thành phố giao cho ngành ngân hàng trên địa bàn trong quá trình thực hiện đề án này.

Nguyễn Đức Lệnh