Kết quả nổi bật trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 8 tháng năm 2022

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 18:45, 30/08/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong điều kiện vẫn còn những khó khăn nhất định sau ảnh hưởng của đại dịch  COVID-19 và những thách thức từ bên ngoài do giá dầu tăng mạnh và lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới… song kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nói riêng 8 tháng đầu năm 2022 vẫn ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp.

Kết quả nổi bật ghi nhận được thể hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định. Đây tiếp tục là yếu tố nền tảng quan trọng để cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW cùng với chương trình phục hồi kinh tế thành phố phát huy hiệu quả.

Trong đó, các yếu tố tỷ giá, lãi suất cơ bản vẫn ổn định và phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng; hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, mặc dù chịu áp lực biến động khi đặt trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đầu vào và lạm phát tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới tăng.

Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của NHTW và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Các mức lãi suất điều hành như lãi suất tiền gửi không kỳ hạn; loại kỳ hạn dưới 6 tháng; lãi suất tiền gửi ngoại tệ và lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) vẫn giữ nguyên; tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,2% so với cuối năm 2021- con số hết sức có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay khi mà lãi suất và giá một số đồng tiền mạnh trên thế giới liên tục biến động tăng cao.

Thứ hai, tín dụng 8 tháng trên địa bàn đạt khoảng trên 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 11% (số liệu dự ước). So với các tháng trước đây tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hai tháng (tháng 7, 8/2022)  đã thấp hơn. Song so với cùng kỳ các năm trước tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhất. Trong đó, tín dụng bằng VND chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, chiếm 93,5%.

Thứ ba, cơ cấu tín dụng giữa VND, ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các NHTM trên địa bàn.

Tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số lĩnh vực, ngành kinh tế có tỷ trọng dư nợ cao trong tổng dư nợ tín dụng địa bàn bao gồm: hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình đạt tỷ trọng 32,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tỷ trọng 15,31%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt tỷ trọng 11,95%; xây dựng đạt tỷ trọng 6,9%.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác và hỗ kinh doanh phục hồi và tăng trưởng. Hoạt động này được ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển khai thực hiện bằng các chương trình cụ thể gắn với cơ chế chính sách của Chính phủ, UBND thành phố và NHTW.

Kết quả hỗ trợ cho doanh nghiệp về miễn giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ và cho vay mới với lãi suất thấp đạt: 527.990,36 tỷ đồng với 1.219.572 khách hàng còn dư nợ; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực đạt 194.718 tỷ đồng, cho 35.282 khách hàng vay vốn, tăng 5,27% so với cuối năm 2021.

Tổ chức tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp gắn với việc giải ngân gói tín dụng của chương trình này đề ra trong năm 2022.  Đến nay chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã thực hiện được với  số tiền là 336.118,61 tỷ đồng cho vay 26.790 khách hàng, đạt trên 80% gói tín dụng các TCTD trên địa bàn đăng ký từ đầu năm. Đây là gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, được các ngân hàng đăng ký tham gia cho vay, hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp rất thiết thực.

Đối thoại doanh nghiệp và tổ chức nắm bắt thông tin phản ánh của doanh nghiệp và xử lý thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp: qua đường dây nóng; qua thư điện tử; qua mạng đối thoại doanh nghiệp của Chính quyền Thành phố với doanh nghiệp, tham gia các Hội nghị đối thoại do quận/huyện tổ chức. Qua đó vừa nắm bắt kịp thời khó khăn của doanh nghiệp; vừa đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện cơ chế chính sách của các TCTD đối với người dân, doanh nghiệp và đảm bảo tính giám sát thực hiện có hiệu quả. Từ đầu năm 2022 đến ngày 17/8/2022, tổ đường dây nóng đã tiếp nhận và xử lý 184 cuộc gọi  và 87 email người dân, doanh nghiệp gửi đến.

Thứ năm, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động về triển khai cơ chế chính sách để đưa gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ theo Nghị định 31 và Thông tư 03 đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả. Đến nay ngành Ngân hàng thành phố đã thực hiện xong công tác này và ở trạng thái sẵn sàng tiếp cận, đáp ứng và thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đủ điều kiện theo quy định.

Chủ động làm tốt công tác thông tin truyền thông; tư vấn khách hàng; hoạt động rà soát, phân loại dư nợ khách hàng thuộc nhóm lĩnh vực hỗ trợ đối với các khoản giải ngân, cho vay từ ngày 1/1/2022. Trên cơ sở đó đối chiếu, kiểm tra điều kiện và thông tin cho khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ.

Bằng những hành động cụ thể và thông qua công tác phối hợp với các sở ngành, quận huyện, các hiệp hội, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ thực thi được NHTW giao để đảm bảo chính sách này phát huy hiệu quả, đạt mục tiêu của Chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và UBND thành phố.

Nguyễn Đức Lệnh