Tinh thần Ngày Quốc khánh 2/9 cổ vũ dân tộc Việt Nam muôn đời sau
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 07:30, 02/09/2022
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Từ đây, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, đã tuyên bố trước thế giới quyền độc lập của Việt Nam, và thực hiện những quyền tự do dân chủ ở trong nước”[1].
Trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh” viết ngày 1/9/1954 đăng trên Báo Nhân dân, số 220 (từ ngày 1 đến 3/9/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 nước ta tuyên bố độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tổng tuyển cử tự do được tổ chức, nhân dân toàn quốc ta đã bầu ra Quốc hội. Quốc hội thông qua Hiến pháp và bầu ra Chính phủ Trung ương. Chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh đều do nhân dân cử ra. Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ”[2].
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là những điều thiêng liêng và quý báu của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công và “đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”[3]. Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[4]. Bởi vậy, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sẽ cổ vũ dân tộc Việt Nam muôn đời sau nhằm đưa đất nước Việt Nam tiến bước thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới[5]. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 668,5 tỉ USD, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới[6].
Quang cảnh ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ảnh tư liệu lịch sử. |
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao[7].
Tinh thần Ngày Quốc khánh 2/9 cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam muôn đời sau. Ảnh minh họa. |
Những thành tựu quan trọng của đất nước gắn với vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng cũng đã được nêu rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” năm 2021, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 2, Nxb. Sự Thật, Hà Nội,1980, tr. 463
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 337
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 438
[5] TS Nguyễn Minh Phong – TS Nguyễn Trần Minh Trí, “Vị thế và cơ đồ kinh tế Việt Nam”, Báo Nhân Dân điện tử, cập nhật ngày 10/1/2021.
[6] Ngọc An, “Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất”, Báo Tuổi Trẻ điện tử, cập nhật ngày 1/1/2022.
[7] Xem Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại: https://baochinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-102288263.htm.