Các TCTD đề xuất một số giải pháp liên quan đến nội dung dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 07:53, 03/09/2022
(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Đoàn Công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 24/8, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nêu bật một số khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất giải pháp liên quan đến nội dung dự thảo.
Tại buổi làm việc, một số ngân hàng là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng (Vietcombank, MB, TPBank) đã nêu bật một số khó khăn, vướng mắc hiện nay các ngân hàng đang gặp phải, cũng như kiến nghị, đề xuất một số giải pháp liên quan đến nội dung như: chữ ký điện tử, chữ ký số, chứng thực điện tử.
Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trân trọng đăng tải các ý kiến góp ý của các TCTD.
Cần làm rõ khái niệm chữ ký sốvà chữ ký điện tử
Đại diện Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TPBank)
Dự thảo có đề cập đến hai khái niệm khác nhau là: chữ ký số và chữ ký điện tử. Tôi cho rằng việc xác thực giao dịch bằng khuôn mặt, vân tay, giọng nói, SMS OTP hoặc password,… không phải là chữ ký điện tử, mà là xác định đúng người thực hiện giao dịch. Nếu coi đây là chữ ký điện tử thì sẽ bị nhầm lẫn bởi: chữ ký điện tử có thông điệp dữ liệu được ký trong giao dịch hoặc văn bản và chống sửa đổi văn bản, còn xác thực giao dịch thì không. Do vậy, hai khái niệm này khác nhau và cần phải làm rõ.
Đề nghị dịch vụ đăng ký chữ ký điện tử dùng riêng chuyển sang dịch vụ đi cấp
Đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
Về đề xuất bỏ quy định yêu cầu đăng ký chữ ký điện tử dùng riêng, tôi đề nghị một số dịch vụ đó chuyển sang dịch vụ đi cấp sẽ hợp lý hơn, như vậy các ngân hàng có thể sử dụng dịch vụ tin cậy để xác minh, đồng thời cũng giải quyết được khâu đảm bảo an toàn thông qua cơ quan trung gian hoặc đơn vị xác nhận tính an toàn theo một số tiêu chí rõ ràng.
Giao dịch điện tử phải có tiêu chí hoạt động cụ thể
Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt (Vietcombank)
Thứ nhất, chữ ký số trong dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) lần này chưa chính xác bởi chữ ký điện tử chỉ gắn liền với cá nhân đại diện, còn trong dự thảo đang đề cập đến nhiều khái niệm của tổ chức. Ví dụ, điểm a khoản 1 Điều 21 đang nói chữ ký điện tử của tổ chức là chưa đúng. Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, chữ ký điện tử cũng phải được xác định là chữ ký đại diện theo pháp luật, nếu không có đại diện pháp luật thì phải có ủy quyền, khi đó tòa án Việt Nam mới công nhận giao dịch là hợp pháp, được ký bởi người đại diện hợp pháp.
Thứ hai, liên quan đến tính công khai và minh bạch của thông điệp dữ liệu. Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 quy định "... có thể dễ dàng truy cập và sử dụng thông điệp dữ liệu". Đối với ngành Ngân hàng, tính bảo mật thông tin và uy tín thông tin bảo mật của khách hàng rất quan trọng, nên trong trường hợp này, giao dịch điện tử phải có tiêu chí hoạt động cụ thể để tránh trường hợp ngân hàng vi phạm và bị khách hàng khiếu nại, khởi kiện.
Thứ ba, khoản 7 Điều 21 và Điều 28 của dự thảo Luật giao dịch điện tử chưa rõ ràng ở chỗ: Khoản 7 Điều 21 chưa đề cập đến việc chứng thực chứng thư điện tử tuân thủ theo pháp luật của nước nào, mà chỉ nói theo quy định của pháp luật. Trong khoản 7 nói về ngôn ngữ văn bản pháp luật bị trùng lặp nhiều. Quy định tại điều này cũng chưa nói rõ việc dữ liệu được cấp phép là cơ quan Việt Nam hay cơ quan nước ngoài để cấp chứng thực chứng thư điện tử.
Điều 28 chỉ vận dụng ở trường hợp công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Luật tố tụng dân sự quy định rõ chỉ tòa án cấp tỉnh mới được ra quyết định cho công nhận và thi hành ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Điều 28 cũng chưa nêu rõ cấp nào có thẩm quyền cho thi hành chữ ký điện tử nước ngoài ở Việt Nam. Do đó, nếu ban hành sẽ phải chờ luật hướng dẫn mới thực hiện được.