Lạm phát được kiểm soát tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước xem xét "lỏng tay" hơn trong việc hạn chế room tín dụng trong những tháng cuối năm
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:05, 06/09/2022
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022 - 2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại nhưng giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 đã làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 8 tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Có thể thấy, CPI tháng 8 gần như không tăng so với tháng 7. Lạm phát tăng chậm nhờ giá xăng dầu tiếp tục giảm và đa số các mặt hàng khác có giá ổn định. Các yếu tố có thể gây áp lực lên CPI thời gian tới chủ yếu sẽ là thực phẩm, du lịch, giải trí do có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm và chi phí giáo dục tăng trong tháng 9 và tháng 10 do đây là khoảng thời gian bắt đầu năm học mới.
Chuyên gia PSI cho rằng, khả năng cao lạm phát cả năm 2022 vẫn sẽ được kiểm soát, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét "lỏng tay" hơn trong việc hạn chế room tín dụng trong những tháng cuối năm.
Cũng theo PSI, các ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ lệ an toàn vốn cao, quản trị rủi ro tốt, nhận lại Ngân hàng 0 đồng và danh mục cho vay tập trung vào các ngành nghề ưu tiên sẽ được phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, dư địa tăng không nhiều do NHNN kiên định với mức tăng trưởng chung toàn ngành là 14% để thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát.
Các ngân hàng nằm trong danh sách nới room tín dụng được PSI dự báo là Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VietinBank (CTG), MB Bank (MBB), Techcombank (TCB), ACB.