Việc điều hành lãi suất của NHNN phải linh hoạt, đồng thời đáp ứng được nhiều nội dung, yêu cầu, bài toán đặt ra

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:03, 07/09/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trả lời các câu hỏi của báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã có những lý giải làm rõ  về việc điều hành lãi suất, cũng như vấn đề liên quan đến hạn mức tín dụng được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của báo chí tại Họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 8/2022

Trước hết nói về lãi suất, theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, chúng ta đang tích cực ngăn chặn lạm phát, chống lạm phát. Theo nguyên lí như các nước đã và đang triển khai thì việc chống lạm phát là tăng lãi suất để hạn chế đầu tư. Đấy là nguyên lý của các nước phát triển nhất trên thế giới. Chúng ta cũng đang thực hiện giải pháp đó. Như với Mỹ, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất liên tục 4 lần. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất rất cao, lên 0,5% dù trong thời gian dài đã duy trì lãi suất âm. Nhiều quốc gia khác cũng đang tăng lãi suất.

Đối với Việt Nam, lạm phát cũng là câu chuyện rất được quan tâm và Chính phủ đã chỉ đạo nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát. Trong vài tháng gần đây, đặc biệt là tháng 7, tháng 8 vừa qua, nhờ giá xăng giảm nên chỉ số lạm phát có dương nhưng không nhiều. Chính vì thế, chúng ta tiếp tục duy trì được mức lạm phát 2,88%. Nhưng những yếu tố khác gây áp lực lạm phát vẫn còn, vì vậy việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương lúc này cần được tính toán rất chặt chẽ.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phân tích cụ thể. Năm 2021, kể cả năm 2022 này, trong khi nhiều nước tăng lãi suất rất cao, thì NHNN vẫn duy trì lãi suất điều hành ổn định, không thay đổi. Xét ở mức tương đối trong tương quan với các nước thì rõ ràng Việt Nam đang giảm lãi suất điều hành so với các nước đang tăng nhanh. Điều này đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn với giá hợp lý, rẻ hơn so với nguồn vốn đi vay ở nước ngoài.

Có thể nói, việc điều hành lãi suất của NHNN phải hết sức linh hoạt, đồng thời đáp ứng được nhiều nội dung, yêu cầu, bài toán đặt ra. Đó là vừa phải kiểm soát lạm phát nhưng vừa hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo khôi phục nhanh nền kinh tế.

Đối với các ngân hàng thương mại, thời gian qua, lãi suất có biến động tăng nhẹ, kể cả lãi suất huy động cho vay, nhưng ở mức rất nhẹ, lãi suất huy động tăng 0,25%, lãi suất cho vay tăng 0,24%. Mức tăng này có thể nói là thấp nhất trong tất cả các nước trong khu vực châu Á.

Hiện nay lãi suất cho vay bình quân 7,9-9,3%, lãi suất huy động bình quân từ 6,3-6,8% đối với kì hạn dưới 1 năm. Mức lãi suất cho vay này so với mấy năm gần đây duy trì ở mức khá ổn định.

Để kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn thì NHNN đã tích cực thực hiện chỉ đạo và lời kêu gọi của Thủ tướng.

Chúng tôi cũng sẽ cùng Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tìm các biện pháp, bằng nội lực, nguồn lực của mình như tiết giảm chi phí trong hoạt động để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới.

Về câu chuyện lợi nhuận cao, cả nghìn tỷ đồng, nhìn chung chúng ta có thể đánh giá là cao nhưng xét về góc độ vốn thì lợi nhuận vốn của các ngân hàng không cao so với nhiều ngành khác. Nội dung này Thống đốc đã có giải trình rõ trước Quốc hội.

Liên quan đến hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, một trong những yêu cầu cao nhất đặt ra trong điều hành của NHNN là tránh việc lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Đây không chỉ là chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội mà còn là Nghị quyết của Trung ương.

Từ đầu năm chúng ta đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%; lạm phát khoảng 4%. Với mục tiêu này, NHNN cũng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tùy điều kiện thực tế để thay đổi linh hoạt.

Thực hiện điều này, ngay từ đầu năm, trong điều kiện nền kinh tế không có những biến động, đặc biệt là giá cả xăng dầu, một số hàng hóa… thì có thể nói mức 14% đã được tính toán tương đối đầy đủ và cũng đã ra chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng triển khai. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 và có thể nói đã sử dụng hết hạn mức đầu năm. Phần còn lại NHN sẽ tiếp tục giao cho các tổ chức tín dụng.

P.V