Phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:49, 11/09/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Việt Nam, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Tóm tắt: Kinh tế số, nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, đang tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu hướng phát triển mới trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP, đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Mặc dù cơ hội và tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên, để hiện thực hoá các mục tiêu đã đặt ra, trong thời gian tới cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia về phát triển nguồn nhân lực số, chuyển đổi số doanh nghiệp và phát triển thị trường số nội địa.

Developing digital economy in Vietnam

Abstract: Digital economy, an economy based on digital technology and digital platforms, is growing very fast and becoming a new development trend globally. In Vietnam, digital economy is considered one of the growth drivers in coming decades, allowing Vietnam to achieve its goal of becoming a high-income economy by 2045. In which, digital economy is expected accounting for 20% of GDP by 2025, and about 30% of GDP by 2030. Opportunities and potentials seem to be great, however, in order to realize the set goals, it is necessary to quickly develop and issue national strategies and programs on development of digital economy, digital society; review, amend and supplement legal regulations in order to further complete the legal corridor, mechanisms and policies for the development of digital economy, digital society; accelerate the implementation of the national digital transformation program on digital human resource development, enterprise digital transformation and development of the domestic digital market.

1. Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động mang tính đột phá, sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Trong làn sóng công nghiệp này, công nghệ số sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, qua đó, hình thành quốc gia số với ba trụ cột, gồm: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet”. Xét về bản chất, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số với các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud, Computing), chuỗi khối (Blockchain)….

Kinh tế số đang phát triển nhanh và trở thành xu hướng, tiềm năng phát triển mới trên phạm vi toàn cầu. Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), kinh tế số hiện đang chiếm 15% GDP toàn cầu, tỷ lệ này của Mỹ là 21%, Trung Quốc là 30%. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh và có nhiều triển vọng. Tổng hợp từ các báo cáo trong và ngoài nước của Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP, và kinh tế số/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP. Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, với 14 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về kinh tế số và là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%, so với Indonesia là 11%, và Thái Lan ở mức 7%. Báo cáo dự báo đến năm 2025 kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD.

Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất Việt Nam trong những thập niên tới để đưa nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045. Văn kiện Đại hội XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP (hiện nay tỷ lệ này khoảng 10%), đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.  Để đạt mục tiêu này, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Chính vì vậy, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những quan điểm lớn của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước trong thời gia tới. Bài viết xin được tổng hợp những vấn đề chung về kinh tế số, thành quả và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

2. Tổng quan về kinh tế số

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế. Hiểu một cách đơn giản, thì kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Theo Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...). Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet. Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần: Kinh tế số ICT(1) viễn thông (Kinh tế số ICT); Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet); và Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành), trong đó: Kinh tế số ICT/viễn thông là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, gồm các hoạt động như: sản xuất phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ viễn thông; Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số internet) gồm các hoạt động kinh tế dựa trên mạng internet như: kinh doanh bằng nền tảng số (như Uber, Grab, Airbnb…), kinh doanh dựa trên dữ liệu số, kinh doanh các dịch vụ số trực tuyến, và các hình thức kinh doanh dựa trên mạng Internet khác; Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành) là các hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, tăng thêm, gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh… Tóm lại, kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng ICT, tức là viễn thông và công nghệ thông tin, để tăng năng suất lao động, và để tối ưu nền kinh tế. Nếu nói đơn giản thì là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.

Như vậy, mặc dù có nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau khi đề cập đến kinh tế số, nhưng phần lớn các quốc gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên internet. 

Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức uy tín quốc tế, kinh tế số là một trong những động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn tới. Kinh tế số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là động lực cho tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, xuất phát từ việc sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên. Bên cạnh đó, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho tất cả các chủ thể, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển. Cùng với đó, quá trình chuyển giao công nghệ số diễn ra nhanh chóng, không giới hạn đã góp phần làm giảm khoảng cách giữa các khu vực, giữa nông thôn với thành thị. Công nghệ số, với cách tiếp cận mới trong hoạt động kinh tế, đã cho phép nền kinh tế giải quyết hiệu quả những vấn đề nan giải trong phát triển kinh tế tài nguyên như ô nhiễm môi trường, phân hoá giàu nghèo, cạn kiệt nguồn lực,... Như vậy, có thể nói, kinh tế số đã và sẽ là mô hình kinh tế của tương lai.

3. Phát triển kinh tế số tại Việt Nam 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đều xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là trọng tâm chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn tới, và đặt ra các mục tiêu rất cao và cụ thể đến 2025 gồm: kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% số xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), và thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Để đạt được mục tiêu này cần phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hàng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5-7%/năm).

Với kinh tế số, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đồng hành cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng chuyển đổi số - và đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận với trình độ phát triển của khu vực và thế giới. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế số của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và có nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Chúng ta cũng đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế số. Các chuyên gia đã đưa ra 3 kịch bản trong phát triển cho kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, bao gồm:

Kịch bản bình thường: Chỉ nỗ lực bình thường cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thì đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 10,4% GDP, trong đó phần Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm (ICT/viễn thông và kinh tế số Internet) chiếm khoảng 7,9% GDP, còn phần kinh tế số ngành khoảng 2,5% GDP.

Kịch bản nhanh: Ở kịch bản này việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được thúc đẩy mạnh thì đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 19,9% GDP, trong đó phần Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm (ICT/ viễn thông và kinh tế số Internet) chiếm khoảng 13,1%; còn phần kinh tế số ngành khoảng 6,8% GDP.

Kịch bản đột phá: Đối với kịch bản này, việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được triển khai mạnh mẽ, kèm theo các biện pháp đảm bảo cân bằng thị trường giữa các doanh nghiệp nền tảng số Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời có chính sách hỗ trợ các start-up công nghệ Việt Nam, thì đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 26,2% GDP, trong đó phần Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm (ICT/ viễn thông và kinh tế số Internet) chiếm khoảng 16% GDP; còn phần kinh tế số ngành khoảng 10,2% GDP.

Để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% theo kịch bản phát triển nhanh, chúng ta cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hàng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5-7%/năm). Đây là một kịch bản không dễ dàng để thực hiện được, cùng với các mục tiêu rất cao về xã hội số, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, và sự đầu tư xứng tầm của tất cả các bộ, ngành, địa phương cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

4. Một số vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Bên cạnh những cơ hội và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số, quá trình phát triển kinh tế số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức như: Công tác quản lý nhà nước, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện. Hệ thống thể chế, pháp luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ cho phát triển kinh tế số, trong đó, có các quy định pháp luật cho các hoạt động kinh tế số, đặc biệt đối với mảng kinh tế số Internet/nền tảng; hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới ứng của kinh tế số còn chưa đầy đủ. Còn thiếu các công cụ pháp lý và hệ thống công nghệ có khả năng giám sát, quản lý hiệu quả hoạt động các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới trên không gian mạng. Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số còn ít, chất lượng chưa cao. Các doanh nghiệp vẫn thiếu hụt lực lượng lao động công nghệ đủ kiến thức và kỹ năng để áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống doanh nghiệp chưa đồng đều, ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực bắt buộc phải chuyển đổi số như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự triển khai chuyển đổi số.

Phát triển kinh tế số giúp sẽ góp phần giúp Việt Nam có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển so với thế giới, tuy nhiên để tận dụng tốt cơ hội này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và của mỗi người dân. Một số vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam, gồm:

Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là các giải pháp đào tạo kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số doanh nghiệp; và phát triển thị trường số nội địa.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba, tăng cường phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với các yêu cầu đặt ra của nền kinh tế số. Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đào tạo lại kỹ năng số cho lực lượng lao động công nghệ cũng như đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân nhằm thích ứng với xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

5. Kết luận

Nền kinh tế số đang ngày càng khẳng định vai trò là một động lực mới đối với tăng trưởng toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế số sẽ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tới. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc, một Chính phủ kiến tạo và dân số trẻ ngày càng hiểu biết về công nghệ, nền kinh tế số sẽ tiếp tục có những bước phát triển ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu tại khu vực.

Chú thích:

(1) ICT: Informatiom Communication Technology, được hiểu với nghĩa là công nghệ thông tin và truyền thông

Tài liệu tham khảo:

- Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

-  Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

- Thủy Diệu, Ba kịch bản giúp kinh tế số đột phá vào năm 2025,  https://vneconomy.vn/ba-kich-ban-giup-kinh-te-so-dot-pha-vao-nam-2025.htm;

-  Đàm Thị Hiền (2021), Phát triển kinh tế số ở Việt Nam Thách thức và gợi ý giải pháp, https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-thach-thuc-va-goi-y-giai-phap-335725.html;

- Minh Nhung (2021), Hiện trạng và giải pháp phát triển kinh tế số, https://baodautu.vn/hien-trang-va-giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-d154764.html

- Bùi Kim Thanh (2021), Phát triển kinh tế số ở Việt Nam, https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-134586;

- Bùi Kim Thanh (2021), Phát triển kinh tế số tại Việt Nam, https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-134586 ;

- Gia  Thành (201), Kinh tế số đường đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam, https://baoquocte.vn/kinh-te-so-duong-den-tuong-lai-cua-nen-kinh-te-viet-nam-159466.html;

- Quách Hồng Trang (2021), Tình hình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, https://aita.gov.vn/tinh-hinh-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 5/2022

TS. Nguyễn Thế Bính