Tăng cường phòng, chống tội phạm rửa tiền từ buôn bán trái phép động vật hoang dã
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 14:13, 14/09/2022
Hội thảo tập huấn với chủ đề “Phòng, chống tội phạm rửa tiền từ buôn bán trái phép động vật hoang dã” ngày 13/9 |
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; bà Trần Thị Hoài Thu, Phó Trưởng phòng Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) thuộc cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước; bà Sirirut Rattanamongkolsak, Điều tra viên cao cấp thuộc Cục PCRT Thái Lan; TS. Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam; bà Michelle Owen, Giám đốc Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp (WWF) tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các đại diện đến từ Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công An và đại diện các ngân hàng, tổ chức tài chính Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với mục đích: (1) Nâng cao nhận thức của các tổ chức tài chính, các công ty Fintech về rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; Tuyên truyền thông điệp về nỗ lực phòng chống buôn bán động vật hoang dã, khuyến khích các tổ chức tài chính, công ty Fintech không khoan nhượng đối với hành vi buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; (2) Vận động các nhà lãnh đạo cấp cao, các đại diện ngân hàng trở thành đại sứ chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và ủng hộ việc áp dụng các biện pháp PCRT đối với tội phạm về động vật hoang dã và tuân thủ theo quy tắc ứng xử của doanh nghiệp về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua các trường hợp kinh doanh cụ thể.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật được đánh giá là một loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nghiêm trọng, có lợi nhuận hàng tỷ đồng tiền tội phạm mỗi năm. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy tội phạm động vật hoang dã có liên quan đến nạn tham nhũng, đe dọa đa dạng sinh học và tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Thực tế chỉ ra, những kẻ buôn bán động vật hoang dã đã và đang khai thác các điểm yếu trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính để di chuyển, che giấu và rửa tiền thu được bất chính. Do đó, nếu để tội phạm động vật hoang dã tiếp tục lợi dụng những kẽ hở trong ngành tài chính sẽ gây tổn hại đến tính toàn vẹn tài chính.
Ngành Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến PCRT
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo |
Đại diện VNBA cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực cho các định chế tài chính tham gia đấu tranh PCRT nói chung và PCRT từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật nói riêng.
“Có thể nói, về cơ bản, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động PCRT nói chung và chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia”, ông Sơn cho biết.
Trong hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia, Việt Nam là thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về PCRT và chống tài trợ khủng bố (APG), thành viên liên kết của FATF (cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1989, đưa ra các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả công tác PCRT), đồng thời là quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Nhóm Egmont). Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập một số tổ chức quốc tế lớn về PCRT trong khu vực, tham gia các công ước quốc tế và phê chuẩn thực hiện các công ước như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là công ước CITES), Công ước về Đa dạng sinh học. Đặc biệt, thực hiện kế hoạch hành động giải quyết rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 ban hành theo Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã chính thức gia nhập Mạng lưới liên cơ quan thu hồi tài sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 12/2020.
Cùng với kiện toàn khuôn khổ pháp lý, hệ thống ngân hàng thương mại thời gian qua đã triển khai mạnh mẽ PCRT trong hệ thống. Đa số các ngân hàng đã ban hành quy định nội bộ về PCRT, hiện đại hoá hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị theo các chuẩn mực quốc tế để phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, trong đó có PCRT và phổ biến kiến thức cho các cán bộ nhằm nâng cao nhận thức về PCRT.
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến PCRT, trong đó có việc sửa đổi Luật PCRT nhằm đảm bảo phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng chống tội phạm nói chung.
Đối với các ngân hàng, rủi ro về buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã phải được xem xét và ghi nhận là một phần trong khuôn khổ về rủi ro của ngân hàng và đánh giá chống rửa tiền. Bước đầu tiên để kiềm chế hoạt động buôn bán động vật bất hợp pháp qua ngân hàng là các ngân hàng cần theo dõi để đảm bảo các loại giao dịch khớp với hồ sơ. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng cần thẩm định chắc chắn khách hàng để đảm bảo các công ty không dùng vỏ bọc để che giấu hoạt động trái phép như buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã...
Báo cáo đối tượng là hết sức cần thiết
Phát biểu tại Hội thảo, bà Sirirut Rattanamongkolsak, Điều tra viên cao cấp thuộc Cục PCRT Thái Lan, nêu rõ bối cảnh và cách thức hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trong khu vực và tại Việt Nam. Theo đó, thủ phạm buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tự rửa các khoản tiền thu được, trà trộn các khoản tiền hợp pháp và bất hợp pháp, mua bất động sản, hàng hóa xa xỉ và các tài sản điện tử; đồng thời sử dụng các trang thương mại điện tử và kênh truyền thông mạng xã hội để hỗ trợ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, bao gồm thanh toán trực tuyến và tiền điện tử.
Bên cạnh đó, các ngân hàng và các hệ thống chuyển tiền, bao gồm Hawala thường được sử dụng để chuyển tiền từ người mua sang người bán và chuyển tiền tới những người đứng đầu tổ chức. Vì vậy, bà Siriut cho rằng việc phát hiện ra những đặc điểm chính trong báo cáo đối tượng là hết sức cần thiết như: Đảm bảo các nguồn tiền và tài sản luôn phù hợp với hồ sơ khách hàng; thực hiện các bước theo dõi hiện có để đảm bảo hồ sơ khách hàng tương ứng với hành vi của họ; Thực hiện các biện pháp thẩm định nâng cao đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về tội phạm về động vật hoang dã như công ty thủy sản, vườn thú, cửa hàng thú cưng; Lưu ý đến các tài khoản có thể được sử dụng để trà trộn các khoản tiền từ các hoạt động kinh doanh; Nâng cao chia sẻ thông tin, có thể dưới hình thức hợp tác công tư (PPP).
Tăng cường chống buôn bán trái phép động vật hoang dã
Bà Michelle Owen, Giám đốc Dự án Bảo vệ các loài Động vật Hoang dã Nguy cấp (WWF) tại Việt Nam. |
Cũng tại Hội thảo, bà Michelle Owen, Giám đốc Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về vấn đề buôn bán động vật hoang dã và cách ứng phó mà Dự án đang tìm cách thực hiện. Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp là sự hợp tác kéo dài 5 năm giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Dự án này được thực hiện bởi Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp và WWF, phối hợp với TRAFFIC và ENV.
Mặc dù có nhiều nỗ lực phối hợp nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã và vừa là một quốc gia cung và cầu chính. Khi Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, nạn buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã có giá trị cao đã gia tăng. Vì vậy, Dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp nhằm giúp Việt Nam nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay, bằng cách nâng cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc giải quyết tội phạm về động vật hoang dã. Song song đó, dự án sẽ hỗ trợ cam kết của các nhà lãnh đạo trong Chính phủ, huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và giảm nhu cầu và việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.
Vai trò của các tổ chức tài chính
Bà Trần Thị Hoài Thu, Phó Trưởng phòng Cục PCRT thuộc cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước |
Về vai trò của tổ chức tài chính trong hoạt động PCRT động vật hoang dã, bà Trần Thị Hoài Thu cho biết, tổ chức tài chính là một kênh phổ biến được sử dụng để rửa tiền từ các khoản thu trái phép buôn bán động vật hoang dã, vì vậy, tổ chức tài chính cần hết sức kỹ lưỡng trong rà soát khách hàng, giao dịch, để phát hiện và kịp thời báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép khi phát sinh.
Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính cần tăng cường nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng (KYC/CDD) đối với các trường hợp khách hàng lần đầu mở tài khoản, lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính hay khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn; thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo.
Khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó, cần khẩn trương rà soát thông tin nhận biết khách hàng, thông tin nhận dạng khách hàng, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cũng như mục đích của khách hàng trong mối quan hệ với đối tượng báo cáo.
Các biện pháp xác minh thông tin nhận biết khách hàng có thể thông qua các giấy tờ: CMND, hộ chiếu, giấy phép thành lập…; thông qua tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thuê bên thứ ba.
Ngoài ra, khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền, các tổ chức tài chính cần báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền về hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố bằng cách truyền file điện tử hoặc gửi báo cáo giấy. Thời hạn báo cáo được quy định là 48 giờ kể từ thời điểm phát sinh giao dịch, đặc biệt cần báo cáo ngay trong ngày phát hiện dấu hiệu đáng ngờ...