Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chủ trì Hội thảo cấp cao SEACEN-BIS

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:31, 16/09/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban Điều hành (EXCO) của SEACEN lần thứ 21, ngày 15/9/2022, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã chủ trì Hội thảo cấp cao SEACEN-BIS tại thành phố Đà Nẵng với chủ đề về các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như lạm phát và khuôn khổ ổn định tài chính vĩ mô đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: DK

Hội thảo có sự tham dự của các Phó Thống đốc NHTW/Cơ quan quản lý Tiền tệ thành viên của SEACEN, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và một số diễn giả uy tín như Giáo sư John Taylor, Giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford và đại diện các tổ chức nghiên cứu danh tiếng.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo cấp cao, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định kinh tế và thị trường toàn cầu đang trải qua thời kỳ bất ổn và chưa từng có tiền lệ. Mặc dù vẫn đang trong quá trình phục hồi hậu COVID-19, kinh tế toàn cầu lại phải hứng chịu liên tiếp những cú sốc và rủi ro tiềm ẩn đến từ xung đột địa chính trị, giá nhiên liệu leo thang và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần tham gia sâu hơn nữa vào các giải pháp mang tính khu vực và toàn cầu để khuyến khích mở rộng thương mại quốc tế, qua đó vừa giảm nguy cơ gây ra các cú sốc nguồn cung nghiêm trọng, vừa giúp thúc đẩy sản lượng tiềm năng trên toàn cầu.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, đối với NHTW, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) cần phải kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc chỉ sử dụng riêng CSTT là không đủ mà cần phải có sự điều hành đồng bộ cả CSTT, chính sách tài khóa, chính sách an toàn vĩ mô và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hướng tới sự cân đối hài hòa nhất giữa các mục tiêu.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: DK

Tại Hội thảo, các diễn giả và các nhà quản lý cấp cao đến từ các NHTW thành viên SEACEN, BIS, WB và Đại học Stanford đã dành nhiều thời gian chia sẻ quan điểm của NHTW về công tác điều hành CSTT, đặc biệt là tầm quan trọng của việc kết hợp CSTT, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để giải quyết các thách thức lạm phát trong điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hiện nay.

Các đại biểu chia sẻ nhận định, lạm phát là vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay và CSTT cần có sự điều chỉnh phù hợp và chủ động để tránh nguy cơ bước vào kỷ nguyên lạm phát. Đồng thời, cần chú trọng công tác truyền thông chính sách, kiểm soát rủi ro trong khu vực tài chính để đảm bảo ổn định tài chính và áp dụng các giải pháp xử lý vấn đề hạn chế nguồn cung.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng trong bối cảnh hội nhập tài chính ngày càng sâu rộng như hiện nay, các nhân tố bên ngoài có tác động rất lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước.

Từ đó, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ ổn định tài chính vĩ mô nhằm đạt được các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong nước thông qua việc phối hợp đồng bộ các chính sách, bao gồm: (i) hai trụ cột chính là CSTT và chính sách tài khóa vững mạnh và (ii) các công cụ bổ sung bao gồm chính sách an toàn vĩ mô, quản lý dòng vốn, can thiệp thị trường ngoại hối để hỗ trợ CSTT và chính sách tài khóa.

Trong bối cảnh các thách thức từ các điều kiện tài chính bên ngoài và mất cân đối tài chính trong nước gây ảnh hưởng đến CSTT và chính sách tài khóa, hành động chính sách cần mang tính chủ động đón trước để ứng phó với các rủi ro tài chính vĩ mô.

P.V