Thuế xuất khẩu với dăm gỗ: Bỏ hay không bỏ?

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 18:27, 19/09/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với mức thuế 2% như hiện nay, thuế xuất khẩu (XK) với dăm gỗ còn những quan điểm trái chiều giữa bỏ hay không. Báo cáo về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rừng trồng Việt Nam của Tổ chức Forest Trends vừa công bố đã đưa ra những phân tích đa chiều về vấn đề này.

Hai luồng quan điểm…

Luồng quan điểm cho rằng áp dụng thuế XK dăm là cần thiết cho rằng điều này sẽ giúp hạn chế được XK dăm, hạn chế các hộ khai thác gỗ sớm, nhằm tạo động lực cho việc sản xuất gỗ lớn. Theo luồng quan điểm này, gỗ lớn để sản xuất đồ gỗ đem lại giá trị cao hơn cho cả người trồng rừng và các đơn vị làm đồ gỗ.

Tuy nhiên, đang tồn tại một luồng quan điểm trái ngược khi cho rằng hiện nhu cầu sử dụng gỗ lớn của các đơn vị sản xuất đồ gỗ không lớn, chỉ chiếm trên dưới 20% trong tổng lượng cung gỗ trồng hiện nay và tạo ra gỗ lớn hơn hiện nay chưa chắc đã có thị trường tiêu thụ và trong bối cảnh này ngành dăm đang đóng vai trò là cứu cánh và là động lực cho việc thúc đẩy rừng trồng phát triển.

Theo luồng quan điểm này, việc áp dụng mức thuế XK dăm với mục tiêu hạn chế dăm XK hiện đang đi ngược với xu thế hiện nay của thị trường và không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của các hộ trồng rừng.

Nhiều DN XK dăm cũng chia sẻ rằng họ không gánh mức thuế 2% hiện nay mà những chi phí phát sinh do thuế được hạch toán vào cơ cấu giá thành sản phẩm. Nói cách khác, người dân là người cung nguyên liệu đầu vào phải chịu các chi phí phát sinh do việc áp dụng mức thuế này.

Trong thời gian gần đây do giá XK dăm tăng mạnh, các hộ trồng rừng ở một số địa phương đặc biệt ở khu vực duyên hải miền Trung chặt gỗ non (cây 2-4 tuổi) để bán làm nguyên liệu dăm. Đây là các địa phương nơi có các cảng XK dăm lớn và nhu cầu tiêu thụ gỗ lớn để đưa vào chế biến sâu (đồ gỗ) hạn chế. Các hộ chặt rừng non để bán làm nguyên liệu dăm gây ra một số lo ngại về việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là gỗ lớn sử dụng để sản xuất đồ gỗ XK.

Lo ngại này làm dấy lên các thảo luận trong nhóm các DN sử dụng gỗ rừng trồng làm đồ gỗ XK về khả năng kiến nghị Chính phủ tăng thuế XK dăm lên 5%, thậm chí 10% nhằm hạn chế tình trạng chặt cây non.

Tuy nhiên nhóm các DN dăm thì cho rằng hộ trồng rừng có toàn quyền quyết định về thời điểm khai thác rừng của mình và các DN không có quyền để can thiệp vào hoạt động của hộ. Theo luồng quan điểm này, tăng thuế XK dăm sẽ gây ra tổn thất cho các hộ trồng rừng.

Cần nhìn tổng thể…

Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends, việc tăng, giữ nguyên hay bỏ thuế XK dăm sẽ có tác động trực tiếp tới tất cả các bên tham gia chuỗi cung. “Tuy nhiên nhìn từ góc độ tổng thể, bỏ thuế XK có tiềm năng đem lại thêm lợi ích cho các hộ trồng rừng…”, chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Theo đề xuất của chuyên gia Forest Trends, để có những quyết định chính xác về việc duy trì, bỏ hay tăng thuế XK mặt hàng này, Chính phủ cần có những đánh giá khách quan về tác động của việc áp dụng mức thuế này đối với các bên tham gia chuỗi cung, với trọng tâm là tác động đối với hộ gia đình trồng rừng.

Đánh giá này cũng cần đặt trong bối cảnh tổng quan chung về gỗ nguyên liệu, gỗ rừng trồng hiện nay và mối quan hệ của ngành dăm với các ngành khác có cùng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu gỗ rừng trồng như ngành đồ gỗ, gỗ dán và viên nén.

Đánh giá này cũng cần quan tâm tới khía cạnh năng lực chế biến sâu ở các vùng nguyên liệu rừng trồng và khả năng tiêu thụ gỗ lớn của các nhà máy chế biến sâu.

Kết quả của đánh giá khách quan này sẽ cung cấp cho Chính phủ góc nhìn đa chiều hơn về tác động của thuế XK dăm tới các bên tham gia trực tiếp chuỗi cung dăm, cũng như tới các bộ phận khác nhau của ngành gỗ có sử dụng gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước (đồ gỗ, viên nén, ván bóc…). Góc nhìn đa chiều sẽ giúp Chính phủ có những quyết định phù hợp với bối cảnh thực tế, đảm bảo người trồng rừng là nhóm yếu thế không bị thua thiệt do việc đánh thuế gây ra.

Cân nhắc thuế xuất khẩu với viên nén

Theo nhóm nghiên cứu của Forest Trends, Chính phủ cũng đang cân nhắc về việc áp dụng thuế XK viên nén.

Đến nay viên nén đã trở thành một trong những mặt hàng XK quan trọng của ngành gỗ. Kim ngạch XK viên nén hàng năm đạt trên dưới 400 triệu USD. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất viên nén thường là phế phụ phẩm của ngành gỗ. Trước khi viên nén trở thành mặt hàng XK, nguồn phế phụ phẩm này thường được hủy bỏ. Điều này gây tác động tiêu cực tới môi trường. Tận dụng được nguồn phế phụ phẩm để sản xuất viên nén XK không những góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ mà còn giúp cải thiện môi trường.

Trong tương lai, nhu cầu viên nén tại các thị trường lớn như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tăng cao, chủ yếu là do việc chuyển đổi từ điện than sang điện sinh học và nhu cầu chất đốt cho hệ thống sưởi.

Là quốc gia XK viên nén lớn thứ 2 trên thế giới, Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia này chuyển đổi mô hình sang sản xuất năng lượng sạch, giúp các quốc gia nhập khẩu viên nén của Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu theo Công ước Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại COP 26.

Việc áp dụng thuế XK viên nén không những có rủi ro trong việc đánh mất đi một nguồn thu quan trọng cho các hộ trồng rừng từ nguồn phế phụ phẩm mà còn tạo ra các hạn chế trong việc thúc đẩy các quốc gia nhập khẩu viên nén của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà các quốc gia này đã ký kết.

Tuy nhiên cũng cần có các quy định để đảm bảo các bên tham gia chuỗi tuân thủ tốt với các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và các quy định của thị trường quốc tế.

Thanh Thanh