Cơ hội đón đầu xu hướng tăng giá của gạo: 3 cổ phiếu được hưởng lợi
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:52, 20/09/2022
|
Giá gạo tăng cao
Ngày 8/9/2022, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm (chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu) và đánh thuế 20% đối với các loại gạo khác (trừ gạo basmati và gạo đồ) (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu). Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia và đóng góp khoảng 36,7% thương mại gạo toàn cầu. Do đó, chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ được dự báo sẽ gây áp lực lên giá gạo.
Trong khi đó, nguồn cung gạo toàn cầu đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn. Ví dụ như ở châu Á, nơi chiếm khoảng 90% sản lượng gạo thế giới, thời tiết khắc nghiệt gần đây có khả năng làm giảm năng suất và sản lượng trong năm nay. Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, khiến sản lượng gạo của quốc gia này có thể bị giảm và dự kiến sẽ phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục là khoảng 6 triệu tấn vào niên vụ 2022/2023. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022-2023 (tỷ lệ hàng tồn kho trên tiêu thụ) chỉ ở mức 34,4% (so với mức trung bình 36,6% của giai đoạn 2018-2022).
Đón đầu xu hướng tăng giá của gạo
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, chiếm khoảng 7,8% thương mại gạo toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và có khả năng khiến người mua chuyển hướng sang gạo Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,9% và 4,8 triệu tấn tăng 20,7%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, sau Philippines, chiếm 12% tổng xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2022.
Trong bối cảnh này, VNDIRECT cho rằng các cổ phiếu LTG, PAN và TAR nên được thêm vào danh sách theo dõi để đầu tư bởi đây là các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu gạo lớn và sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng.
Cụ thể, LTG là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc, doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo. Với định hướng phát triển tập trung vào mảng lương thực, tỷ trọng doanh thu của mảng gạo đạt 39% trong năm 2021 và 57% trong 6 tháng năm 2022. Mặc dù biên lợi nhuận gộp của mảng thấp (2-3%) nhưng điều này sẽ được cải thiện nhờ giá gạo xuất khẩu tăng. Sản lượng gạo xuất khẩu tăng sẽ kéo theo những hợp đồng với người nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ đó sẽ thúc đẩy doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng giống cây trồng của LTG.
TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu. Nếu Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam thì đây sẽ là động lực giúp TAR tăng sản lượng xuất khẩu. Hơn nữa, việc giá gạo xuất khẩu được kì vọng tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp vào thị trường này, nơi vốn được coi là có biên lợi nhuận thấp so với thị trường Châu Âu.
PAN: Hiện nay, mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 39% vào tổng lợi nhuận gộp. Sản lượng sản xuất lúa gạo châu Âu giảm sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, việc giá xuất khẩu gạo được kì vọng tăng sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp của mảng lúa gạo.