Xuất khẩu của khu vực ASEAN - Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:18, 21/09/2022
Trong báo cáo Triển vọng ASEAN mang tựa đề “Xuất khẩu: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên” vừa công bố, HSBC cho biết, mặc dù suy thoái toàn cầu đang là chủ đề của nhiều thảo luận, các nền kinh tế ASEAN vẫn đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ tới thời điểm hiện tại của năm 2022.
Khi nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ mang lại những lợi ích rõ ràng thì các lĩnh vực bên ngoài - trụ cột tăng trưởng vững chắc trong hai năm qua - vẫn bền bỉ một cách đáng ngạc nhiên. Đầu tiên, các nước xuất khẩu hàng hóa như Malaysia và Indonesia đã nương theo chu kỳ tăng giá hàng hóa. Trong khi đó, các nền kinh tế liên quan nhiều đến công nghệ, bao gồm Singapore, Malaysia và Việt Nam, tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu về điện tử đang tăng cao.
Xuất khẩu hàng hóa liệu có thể tiếp tục mạnh mẽ?
Hai năm đại dịch vừa qua đã dẫn đến mức tăng trưởng thương mại ấn tượng ở châu Á. Nhu cầu toàn cầu đã tăng lên - từ hàng điện tử tiêu dùng đến đồ dùng nhà bếp và thiết bị thể thao gia đình – tiếp thêm nhiên liệu cho động cơ bên ngoài của châu Á.
“Rõ ràng ASEAN chính là khu vực được hưởng được lợi. Ngay cả khi tính đến hiệu ứng cơ sở, xuất khẩu vẫn bền bỉ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm 2022”, báo cáo của HSBC viết.
Khi cuộc tranh luận về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu lan rộng, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: liệu xuất khẩu của ASEAN có thể tiếp tục mạnh mẽ? Mặc dù các chỉ số được đo với tần suất liên tục cho thấy chu kỳ sản xuất toàn cầu đang “hạ nhiệt”, HSBC cho rằng: “vẫn có những lý do chính đáng để tiếp tục lạc quan”.
Một phần quan trọng của câu chuyện chính là lượng FDI đều đặn, phần lớn chảy vào các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu. ASEAN hiện chiếm khoảng 10% thị phần FDI của thế giới, gần như ngang bằng với Trung Quốc đại lục (Biểu đồ 1). Khu vực này đã giành được thị phần đáng kể trong một số sản phẩm nhất định, nhiều khả năng tạo ra “lá chắn” giúp khu vực này trụ vững trước xu hướng suy giảm thương mại toàn cầu.
Mặc dù vậy, tác động có thể không đồng đều trong khu vực, trong đó, Singapore, Malaysia và Việt Nam có tâm thế tương đối tốt hơn trong ngắn hạn, còn Indonesia đã viết nên một câu chuyện dịch chuyển cơ cấu thú vị.
Với ngành hàng điện tử, HSBC cho rằng, đây là một câu chuyện phức tạp. Báo cáo của HSBC cho biết, lĩnh vực điện tử chiếm tới 1/3 số hàng châu Á xuất đi và ở ASEAN tỷ lệ này lên tới 50-60%. Sau hai năm nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử liên tục mạnh mẽ, giờ đây đã xuất hiện dấu hiệu sơ khởi cho thấy chu kỳ công nghệ đang vào giai đoạn “chững lại”. Đơn đặt hàng tiêu dùng và công nghiệp điện tử mới đều tăng chậm lại sau khi đạt đỉnh vào giữa năm 2021 (Biểu đồ 2). Hàng xuất từ Hàn Quốc, thường đóng vai trò chủ đạo ở châu Á, cũng đã bắt đầu giảm.
Tuy nhiên, đây chính là điểm mấu chốt để đi sâu hơn vào những sắc thái khác nhau trong lĩnh vực điện tử. Singapore đã trở thành nhà cung cấp chính 3D flash NAND - một loại thẻ nhớ tân tiến, nhờ khoản đầu tư của hãng Micron; tại Malaysia, trung tâm sản xuất chip thứ hai của ASEAN, khối lượng vẫn đang tăng và với đơn hàng đặt trước chip ô tô vẫn còn, HSBC dự báo nhiều khả năng Malaysia sẽ giữ được mức xuất khẩu chất bán dẫn bùng nổ thêm một thời gian nữa.
Nhắc đến các nước có FDI vượt trội trong khu vực, Việt Nam cũng là một quốc gia nổi bật. Nhờ các khoản đầu tư có tổng giá trị 18 tỷ USD của Samsung trong 20 năm qua, Việt Nam đã dần chuyển mình trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng. Xuất khẩu điện tử tiêu dùng của Việt Nam đã tăng mạnh từ dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000 lên mức hơn 30% như hiện nay.
Với FDI mạnh mẽ nhiều khả năng sẽ tạo bước đệm để hỗ trợ Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị. Kể từ năm 2006, Intel đã đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở lắp ráp/thử nghiệm chip tại Việt Nam, tăng gấp đôi thị phần chip xử lý/điều khiển trên toàn cầu chỉ trong vòng 3 năm. Đầu năm nay, Samsung đã rót thêm 920 triệu USD đầu tư vào Việt Nam với mục đích mở động sản xuất, bao gồm sản xuất bảng mạch và mô-đun cảm ứng.
Tuy nhiên, Samsung không phải là nhà đầu tư duy nhất, Apple cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển nhà máy sang Việt Nam, sau khi kế hoạch bị gián đoạn một phần bởi đại dịch. Sau khi sản xuất đại trà AirPods vào năm 2020, Apple đang đàm phán với Việt Nam để sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn như Apple Watch và MacBook. Cụ thể, Foxconn - một nhà cung cấp lớn của Apple, đã ký kết Biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu USD với Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc để mở rộng cơ sở sản xuất tại tỉnh Bắc Giang.
Với tình hình hàng hóa. HSBC cho biết, chỉ có hai “nhà vô địch” ở ASEAN là Malaysia - nhà xuất khẩu dầu và khí đốt ròng duy nhất của khu vực; và Indonesia - nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và than đá (lớn thứ hai thế giới).
Các chỉ số thương mại của Indonesia đã cải thiện đáng kể do giá hàng hóa cao, với thặng dư thương mại đạt mức cao nhất là 4,2% GDP tính tới thời điểm này. Nhờ vậy, vị thế tài khoản vãng lai của Indonesia cũng được cải thiện (vốn đã thâm hụt 2,4% GDP kể từ năm 2019). Một điểm sáng khác chính là sự chuyển dịch trong sản xuất của Indonesia. Quốc gia này đã chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa cuối chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng niken. Indonesia đã trở thành nước xuất khẩu thép không gỉ lớn nhất thế giới, một phần do lệnh cấm xuất khẩu quặng niken chưa qua chế biến.
Ngoài việc đánh giá các rổ hàng hóa khác nhau, một cách khác để xem xét thương mại là thông qua các đối tác thương mại. Khi nhu cầu ở phương Tây giảm, một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là: còn Trung Quốc đại lục thì thế nào?. Nhìn chung, quan hệ của ASEAN với Trung Quốc đại lục đã tăng lên đáng kể trong hai thập kỷ qua. Xuất khẩu của ASEAN liên quan mật thiết với sản xuất công nghiệp toàn cầu (IP) trước khi xảy ra Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC). Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đại lục đã có tác động lớn hơn đến xuất khẩu của khu vực kể từ khi khủng hoảng xảy ra.
Trong vòng chưa đầy 15 năm, Trung Quốc đại lục đã vượt qua Mỹ để trở thành điểm đến xuất khẩu chính của ASEAN (ngoại trừ Việt Nam), chiếm trung bình khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng từ mức trước đây là 9%. Đặc biệt, Indonesia, Việt Nam và Malaysia là một trong số những quốc gia đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc đại lục trong những năm qua. Nói chung, điều đó không ảnh hưởng đến tổng xuất khẩu sang Mỹ và EU, riêng có Malaysia và Philippines là hai trường hợp ngoại lệ.
Xuất khẩu dịch vụ: đóng góp vào sự bền bỉ
Không phải mọi thứ đều có thể đóng gói và xếp vào container. Không ai có thể xuất khẩu một khung cảnh đẹp, một buổi hoàng hôn hoàn hảo hay bãi cát trắng thơ mộng. Vâng, hình ảnh có thể truyền tải phần nào nhưng không thể thay thế cho trải nghiệm nhâm nhi đồ uống mát lạnh bên bờ biển và tận hưởng làn gió trong lành vỗ về trực tiếp. Đó là lý do tại sao, trước đại dịch, du lịch ở châu Á đã bùng nổ.
Về kinh tế, du lịch được coi là hoạt động xuất khẩu dịch vụ - một dịch vụ do cư dân địa phương cung cấp cho những người đến từ nơi khác. Du lịch không phải là loại hình dịch vụ duy nhất được xuất khẩu. Các dịch vụ khác bao gồm thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO), dịch vụ viễn thông và máy tính, vận tải (hành khách hoặc vận chuyển hàng hóa), dịch vụ tài chính và nghiên cứu.
“Không may là xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã sụt giảm nghiêm trọng trong đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới mở cửa biên giới cho phép đi lại, chúng ta có thể kỳ vọng du lịch ASEAN sẽ phục hồi đúng vào lúc cần nhất. Sự phục hồi này có thể sẽ không trọn vẹn nhưng có thể đem lại chút bền bỉ để giúp ASEAN vượt qua những sóng gió trên phạm vi toàn cầu”, báo cáo của HSBC viết.
Với mức lương cạnh tranh, tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp và người dân hiếu khách, xuất khẩu dịch vụ là một thành phần quan trọng của nền kinh tế ASEAN. Tỷ trọng du lịch khu vực trong tổng xuất khẩu dịch vụ của thế giới đã tăng từ 3% trước năm 2020 lên 7% vào năm 2020. Con số này thậm chí còn vượt mức 8%, nếu tính cả số lượng khách du lịch đến ASEAN so với tổng số khách du lịch trên thế giới.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi đại dịch xảy ra. Do tác động từ đại dịch, nhu cầu tiêu dùng đã dịch chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa vì các hộ gia đình buộc phải ở trong nhà trong giai đoạn giãn cách. Trong thời gian này, tỷ trọng của ASEAN trong tổng sản lượng kinh tế toàn cầu phần lớn vẫn giữ nguyên nhưng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ và tỷ trọng về số lượng khách du lịch đã giảm đáng kể. Trên thực tế, xuất khẩu dịch vụ ở ASEAN thu hẹp nhiều so với các nước còn lại trên thế giới, phần nào giải thích tại sao tổng sản lượng kinh tế ở một số nước ASEAN lại thu hẹp một chút.
Tại sao xuất khẩu dịch vụ trong ASEAN lại giảm đi nhiều? Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia của HSBC cho rằng, cần xem xét các hạng mục xuất khẩu dịch vụ khác nhau. Sự sụt giảm trong tổng xuất khẩu dịch vụ của ASEAN vào năm 2020 và 2021 chủ yếu do ngành du lịch suy giảm mạnh, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dịch vụ trước đại dịch. Số liệu thống kê cho thấy, du lịch giảm 80-90%. Điều này cho thấy xuất khẩu dịch vụ giảm trong thời kỳ đại dịch chủ yếu là do nguyên nhân duy nhất: sự sụt giảm của du lịch quốc tế.
Du lịch là một thành phần quan trọng của kinh tế ASEAN nhưng tầm quan trọng của ngành này ở mỗi nước một khác. Hai nền kinh tế nổi bật là Thái Lan và Việt Nam, với doanh thu từ du lịch lên tới 10% GDP vào năm 2019. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh vào năm 2020 và 2021 khi đại dịch buộc các nền kinh tế phải đóng cửa biên giới, do đó ngừng hoạt động du lịch liên quan đến nghỉ dưỡng. Trong khi đó, Malaysia và Philippines hầu như không có nguồn thu từ khách du lịch nào vào năm 2021.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, khu vực này đã và đang tăng tốc nỗ lực để mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Và giống như vòi nước được mở ra, doanh thu từ du lịch sẽ tăng lên, do nhu cầu dồn nén trong 3 năm.
Một điểm cần lưu tâm ở đây là tiềm năng về khả năng bền bỉ của ASEAN, đặc biệt là với Thái Lan, Malaysia và có lẽ kể cả Việt Nam. Có thể sóng gió trên phạm vi toàn cầu sẽ mang đến những thách thức, tuy nhiên, sự dịch chuyển của nhu cầu trên thế giới từ hàng hóa sang dịch vụ cũng như việc đi lại, du lịch tiếp tục được mở cửa có thể giúp ASEAN đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn sắp tới.
Theo HSBC, một điểm cần nhớ nữa ở đây là tầm quan trọng của Trung Quốc đại lục trong việc phục hồi sau đại dịch của ASEAN. Một phần lớn khách du lịch ở một số nền kinh tế ASEAN đến từ Trung Quốc đại lục. Do đó, đây là một yếu tố mấu chốt có thể xác định mức độ phục hồi du lịch của ASEAN.